02/11/2022 18:27
Khuyến nghị cổ phiếu 3/11: VCI, GMD, TCB, MWG, CTG, STK
VCI, GMD, TCB, MWG, CTG, STK là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 3/11, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị VCI: Mua với giá mục tiêu 44.279 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC): Công ty Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) công bố LNST của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 đạt 123 tỷ đồng (giảm 59% so với quý trước /giảm 63% so với cùng kỳ) do hầu hết các mảng kinh doanh đều có lợi nhuận giảm so với quý trước, ngoại trừ mảng tự doanh, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng nhẹ so với quý trước.
Trong 9 tháng năm 2022, VCI đã hoàn thành 54% kế hoạch PATMI của công ty và 53% dự báo năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng VCI khó có để đạt được hai mục tiêu này.
Lãi ròng 88 tỷ đồng từ giao dịch tự doanh (tăng 13% so với quý trước/giảm 62% so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Lãi đã ghi nhận là 159 tỷ đồng (giảm 19% so với quý trước /giảm 17% so với cùng kỳ), đủ để bù đắp cho khoản lỗ chưa ghi nhận giảm 72 tỷ đồng trong quý III/2022.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là 169 tỷ đồng (giảm 7% so với quý trước /tăng 8% so với cùng kỳ). Dư nợ ký quỹ tăng 3% so với quý trước /tăng 3% so với cùng kỳ và đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (tương ứng 42% trong tổng tài sản và chiếm khoảng 4% thị phần) vào cuối quý III/2022.
Dựa trên con số bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, lãi suất cho vay là 10,4% trong quý III/2022 (tăng 44 điểm cơ bản so với quý trước /giảm 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ), cho thấy vẫn còn tiềm năng mở rộng trong quý IV/2022. Mảng ngân hàng đầu tư vẫn ảm đạm.
Trong quý III/2021, chi phí cho hoạt động tư vấn tài chính là 6 tỷ đồng (trong khi quý II/2022 thu về 20 tỷ và quý III/2021 thu 35 tỷ đồng).
Yuanta nâng quan điểm lên tích cực đối với ngành chứng khoán hồi tháng 6 với khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCI. Với tình hình hiện tại trên thị trường chứng khoán, Yuanta cho rằng khó để có thể tranh luận thêm về lợi ích của việc sở hữu các mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán, vì giá cổ phiếu với chỉ số và giá trị giao dịch có mối tương quan khá cao.
Theo Yuanta, có thể xem VCI như là một cổ phiếu phòng vệ. Yuanta cho rằng VCI có thể hoạt động như một công cụ phòng ngừa rủi ro đối với các danh mục đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, vì cổ phiếu này rất có tiềm năng tăng giá nếu thị trường (bất ngờ) phục hồi vào cuối năm. Với P/B đang ở mức 1,5 lần và ROE là 20%, khả năng giá cổ phiếu giảm thêm là khá hạn chế. Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt với giá mục tiêu 44.279 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị GMD: Mua với giá mục tiêu 63.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC): Công ty CP Gemadept (GMD) công bố KQKD quý 3/2022 với doanh tăng 36% YoY đạt 992 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 93% YoY đạt 244 tỷ đồng. Lợi nhuận trong quý 3/2022 tăng trưởng ổn định được dẫn dắt bởi các mảng kinh doanh cốt lõi của GMD và thu nhập ròng từ các công ty liên kết.
So với quý 2/2022, doanh thu của GMD tăng 1,4% QoQ trong khi LNST sau lợi ích CĐTS giảm 15% QoQ trong quý 3/2022, chủ yếu do lợi nhuận thấp từ mảng vận hành cảng biển khi sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong quý giảm. VCSC lưu ý rằng GMD chưa công bố thông tin cụ thể về sản lượng hàng hóa của mảng vận hành cảng biển.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (9T 2022), doanh thu của GMD tăng 31% YoY đạt 2,9 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 94% YoY đạt 806 tỷ đồng, chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi nhuận từ HĐKD tăng 68% YoY và thu nhập ròng từ các công ty liên kết tăng 109% YoY.
Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS 9T 2022 lần lượt hoàn thành 78% và 90% dự báo cả năm của chúng tôi chủ yếu do (1) lợi nhuận từ HĐKD tốt hơn dự kiến và (2) lãi ròng khác đạt 17 tỷ đồng trong 9T 2022 so với dự báo thận trọng của chúng tôi trong năm 2022 là lỗ ròng khác từ mảng cao su trị giá 55 tỷ đồng.
Khuyến nghị TCB: Mua với giá mục tiêu 34.200 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý III đạt 7,565 tỷ đồng (giảm 2.9%so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi đạt 2.773 tỷ đồng (giảm 14,1% so với quý trước và tăng 36,2% so với cùng kỳ). TCB trích 609 tỷ chi phí dự phòng cho quý III (tăng 46% so với quý trước và tăng 3.4%so với cùng kỳ).
Chi phí hoạt động được tiết giảm bù đắp cho mức tăng trong chi phí dự phòng, nhờ đó ngân hàng chỉ ghi nhận giảm lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 8,3% so với quý trước và vẫn tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 20.821 tỷ đồng (tăng 21,7% so với cùng kỳ), hoàn thành 77% kế hoạch năm. Lợi suất bình quân từ hoạt động cho vay cải thiện khoảng 0,3 điểm % so với quý trước nhờ đẩy mạnh cho vay bán lẻ cùng khả năng trả nợ của các khách hàng được tái cơ cấu quay trở lại.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng việc tất toán sớm danh mục trái phiếu chính phủ và trái phiếu từ các tổ chức tín dụng đến một phần đến từ nhu cầu về vốn để cho vay của TCB, ngoài ra sau khi tất toán thì ngân hàng có thể mở rộng danh mục trở lại để nắm bắt được xu hướng lãi suất tăng. Hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư chậm lại và chỉ ghi nhận khoảng 157 tỷ đồng trong quý III, giảm 73,5% so với quý trước và 48,7% so với cùng kỳ.
Theo KBSV, áp lực từ chi phí vốn sẽ tiếp tục tăng trong quý IV sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 của ngân hàng nhà nước, đồng thời tỷ lệ CASA cũng khó tăng trở lại khi người dân chọn gửi tiết kiệm.
Từ đó, công ty chứng khoán này dự phóng NIM cả năm 2022 của TCB giảm 0,24 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 5,47%. NIM 2023 dự báo tiếp tục giảm khoảng 0,13 điểm % xuống 5,34%. KBSV dự phóng NPL cả năm tăng nhẹ lên khoảng 0,68%, ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết nợ xấu của ngân hàng sẽ có xu hướng tăng nhẹ do chuyển dịch cơ cấu cho vay.
Chi phí trích lập dự phóng đạt 1.693 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ do đã đẩy mạnh trích lập dự phòng cho phần nợ tái cơ cấu trong năm 2021.
Dự phóng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 22.468 tỷ đồng (tăng 24,5% so với cùng kỳ) và 26.314 tỷ đồng (tăng 17,1% so với cùng kỳ).
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV điều chỉnh mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu TCB xuống 34.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 39% so với giá tại ngày 31/10/2022.
Khuyến nghị MWG: Tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC): Giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã điều chỉnh mạnh 24,6% so với thời điểm đầu năm, tốt hơn so với VN-Index (giảm 32,6%), nhưng kém hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, gồm FRT (tăng 29,6%) và DGW (giảm 12,5%).
Chúng tôi cho rằng, diễn biến giá kém là do tác động ngắn hạn từ việc đóng cửa một số cửa hàng Bách hóa Xanh trong vài tháng qua.
Hiện tại, chúng tôi cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi khi các cửa hàng hoạt động kém đã bị đóng cửa và chi phí một lần đã được trích lập hoàn toàn vào cuối quý III/2022, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bách hóa Xanh cho thấy cải thiện rõ ràng hơn.
Theo quan điểm của chúng tôi, điều này giúp củng cố triển vọng tăng trưởng của MWG trong năm tới, lạc quan hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với MWG, tuy nhiên đang xem xét lại các dự báo và giá mục tiêu (TP).
Khuyến nghị CTG: Khả quan
CTCK Bảo Việt (BVSC): Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 17.324 tỷ đồng (tăng 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3.338 tỷ đồng (tăng 35,7%). Lợi nhuận sau thuế của Vietinbank tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng cũng sụt giảm khá mạnh so với quý liền kề do chi phí dự phòng tăng mạnh.
Vietinbank đã đủ điều kiện để ghi nhận khoản phí trả trước theo hợp đồng banca với Manulife và nhiều khả năng Vietinbank sẽ ghi nhận khoản phân bổ thanh toán phí trả trước trong quý IV/2022 giúp cho doanh thu phí tăng trưởng mạnh trong kỳ.
Cổ phiếu CTG đã có sự điều chỉnh khá mạnh theo diễn biến điều chỉnh của thị trường kéo mức định giá P/B trượt về quanh 1,1 lần, thấp hơn khá nhiều so với bình quân lịch sử cũng như bình quân ngành. Đây là mức định giá tương đối hấp dẫn đối với một ngân hàng lớn và có sự cải thiện mạnh mẽ trong vài năm qua.
Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm triển vọng của các ngân hàng. BVSC đang xem xét lại dự báo cũng như định giá và sẽ cập nhật trong báo cáo tới.
Khuyến nghị STK: Mua với giá mục tiêu 45.700 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS): Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK – sàn HOSE) đạt 1.686,1 tỷ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 65% kế hoạch năm 2022, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% còn 197,4 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm 2022.
Xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế. Hơn nữa, do biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp, STK có chiến lược giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh và tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho Công ty.
Dự án liên minh Sợi – Vải – May gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP: STK đã thành lập liên minh từ sợi đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2022.
CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi trở đi phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước. Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai.
Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex sẽ giúp STK đón đầu xu hướng thời trang xanh. Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36.000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24.000 tấn/năm).
Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt.
Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may toàn cầu, chúng tôi ước tính doanh thu thuần của STK năm 2023 sẽ đạt 2.252 tỷ đồng, không tăng so với năm 2022. Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ và chi phí lãi vay của công ty trong năm 2023, qua đó ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 239 tỷ đồng (giảm 1,4% so với năm trước).
Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow) và EV/EBITDA, chúng tôi xác định mức giá hợp lý đối với STK là 45.700 đồng/CP. Qua đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu STK.
Rủi ro: (1) Rủi ro lớn nhất của STK là rủi ro nguồn nguyên liệu. Ngoài ra công ty còn có những rủi ro sau: (2) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (3) Rủi ro pha loãng; (4) Rủi ro lạm phát làm giảm tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu; (5) Rủi ro nợ vay.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp