01/11/2022 19:16
Khuyến nghị cổ phiếu 2/11: SCS, BMP, PVT, VCS, TCB
SCS, BMP, PVT, VCS, TCB là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 2/11, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị SCS: Trung Lập
CTCK SSI: Quý III năm 2022, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn đã công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với mức cơ sở thấp của năm ngoái (quý III năm 2021 ghi nhận lượng hàng hóa thấp nhất do các biện pháp giãn cách xã hội). So với năm ngoái, lượng hàng hóa quốc tế trong quý III năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ lên 40 nghìn tấn, trong khi hàng hóa nội địa tăng 30% so với cùng kỳ lên 10 nghìn tấn.
Tuy nhiên, quý III năm 2022 đánh dấu sự sụt giảm về sản lượng so với quý trước, điều này chủ yếu là do nhu cầu của các đối tác thương mại chính của Việt Nam như EU hoặc Hoa Kỳ suy yếu do lạm phát cao hơn và chi tiêu cho các mặt hàng phi năng lượng giảm đi. So với quý II, khối lượng hàng hóa quốc tế trong quý III năm 2022 giảm 10%. Công ty chứng khoán SSI
SCS đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 1,07 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và và LNTT đạt 750 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nhìn chung, kế hoạch năm 2022 của SCS phù hợp với ước tính của SSI, và cao hơn ước tính trước đây nhờ kiểm soát chi phí tốt và tỷ suất lợi nhuận được cải thiện ấn tượng.
Năm 2023, SSI kỳ vọng doanh thu của SCS đạt 899 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ và LNTT đạt 724 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ, vì SSI nhận thấy nhu cầu thị trường nước ngoài suy yếu sẽ là yếu tố tác động chính cho năm 2023.
Cổ phiếu SCS đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 và 2023 lần lượt là 11,5 lần và 10,8 lần, đây là mức thấp nhất trong lịch sử của cổ phiếu này. Theo quan điểm của SSI việc giảm định giá này là hợp lý, nhằm phản ánh triển vọng tăng trưởng chậm hơn trong thời gian tới, cùng với việc công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn nhu cầu của thị trường nước ngoài hiện đang suy yếu. Về những yếu tố tích cực, SCS nổi bật là đơn vị hưởng lợi từ việc USD tăng giá vì phần lớn doanh thu của SCS được tính bằng USD, trong khi chi phí đều tính bằng VND.
Mô hình DCF của SSI cho ra giá mục tiêu 1 năm là 71.900 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 1,4%), tương đương với khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu. Trong ngắn hạn, lợi nhuận quý 4 năm 2022 sẽ giảm sút so với mức cơ bản cao của năm ngoái, vì mức tồn kho của nhà bán lẻ năm nay cao cùng với nhu cầu thấp hơn dẫn đến không có mùa cao điểm vào cuối năm.
Khuyến nghị BMP: Mua với giá mục tiêu 74.500 đồng/CP
CTCK VCBS: Theo VCBS, vị thế tài chính tốt sẽ giúp BMP là điểm sáng trong bối cảnh lãi suất tăng cao và có đủ tài chính để trả cổ tức với tỷ suất cao trên 10%. VCBS cho biết, qua trao đổi với doanh nghiệp, công ty chứng khoán này cho rằng BMP đang trong giai đoạn rất thuận lợi trong ngắn hạn tuy nhiên doanh nghiệp chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới do những bất ổn về kinh tế.
Theo đó, BMP không bị tác động quá nhiều bởi nguồn cung của thị trường bất động sản vì phần lớn sản lượng tiêu thụ bán vào khu vực dân sinh với mức tăng trưởng ổn định.
Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng trong năm 2023 cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, BMP sẽ cố gắng đẩy sản lượng càng nhiều càng tốt với chất lượng sản phẩm số 1 thị trường.
BMP đánh giá triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn, do vậy chưa có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới mà chỉ có thay thế các máy móc cũ. Theo dự kiến, BMP sẽ mở rộng công suất vào năm 2024. BMP sẽ không chủ động đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho nhiều mà giữ ở mức ổn định để duy trì sản xuất tránh rủi ro biến động lớn của giá PVC.
Hiện tại doanh nghiệp chưa có ý định giảm giá bán trong bối cảnh giá PVC giảm mạnh, nguyên nhân đưa ra là giá bán dựa vào quan hệ cung-cầu hiện tại của thị trường. Theo chia sẻ, BMP sẽ có thể trả cổ tức lần 2 trong năm nay do lợi nhuận tăng trưởng rất tích cực
VCBS cho rằng năm 2022 là năm rất thuận lợi cho ống nhựa xây dựng nói chung và BMP nói riêng khi sản lượng tiêu thụ hồi phục từ mức nền thấp của năm 2021 và giá nhựa đầu vào PVC giảm mạnh.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới của BMP sẽ tiếp tục khả quan khi giá đầu vào vẫn chưa chấm dứt đà giảm. Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 5.876 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và 630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 194% so với cùng kỳ).
Kết quả kinh doanh kỳ vọng trong quý IV/2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn và biên lợi nhuận tiếp tục được cải thiện. VCBS tiếp tục khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu 74.500 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị PVT: Khả quan với giá mục tiêu 24.000 đồng/CP
CTCK SSI: Trong quý III/2022, doanh thu của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tăng trưởng ấn tượng 38,7% so với cùng kỳ lên 2,33 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ấn tượng hơn với mức 143% so với cùng kỳ, đạt 481 tỷ đồng, bao gồm khoản lãi một lần từ thanh lý tàu PVT Athena là 211 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, PVT đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 chỉ trong 3 quý đầu năm 2022. Nhìn theo từng mảng hoạt động, vận tải biển vẫn là động lực tăng trưởng chính, với lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi, trong khi lợi nhuận gộp mảng FSO/FPSO giảm 15% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng mảng vận tải được kỳ vọng tích cực, do xu hướng tăng gần đây của thị trường tàu chở dầu toàn cầu, dẫn đến giá thuê tàu cao hơn trên tất cả các loại tàu vận chuyển (dầu thô, dầu/hóa chất, LPG và các loại khác). Lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, tăng 47% so với cùng kỳ, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,8% trong quý III (cải thiện 1 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng giảm hơn 1 điểm phần trăm so với quý II/2022).
Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc tỷ suất lợi nhuận gộp giảm là do tỷ suất lợi nhuận mảng vận tải giảm trong quý này, điều này có thể do chi phí nhiên liệu cao hơn và khấu hao từ các tàu mới đầu tư. Dư nợ bằng USD của PVT ở mức gần 90 triệu USD, chủ yếu là các khoản vay dài hạn để đầu tư tàu, với lãi suất một năm dựa trên LIBOR kì hạn 3 - 6 tháng cộng biên độ 2,5 - 5%.
SSI cho rằng, điều này có nghĩa là trong bối cảnh hiện tại, PVT dễ chịu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Cụ thể, trong quý III/2022, công ty lỗ tỷ giá 23 tỷ đồng, và chi phí lãi vay cũng tăng 40% theo quý. Trong quý, PVT đã bán thành công tàu chở dầu thô PVT Athena theo như kế hoạch, khi con tàu này đã hết khấu hao.
Lợi nhuận từ thanh lý tài sản đạt 211 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này và khoản lỗ tỷ giá, PVT đạt lợi nhuận trước thuế quý III là 293 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với lợi nhuận trước thuế quý II/2022 là 314 tỷ đồng.
PVT được hưởng lợi từ giá cước thuê tàu cao hơn trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường nội địa ổn định. Sau buổi trao đổi với công ty, SSI kỳ vọng điều kiện thuận lợi này cho các chủ sở hữu tàu chở dầu sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý tới, vì chúng tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào từ cuộc chiến của Nga và Ukraina trong ngắn hạn và thị trường tàu chở dầu vẫn đang trong xu hướng tăng.
Theo SSI, có thể kết quả kinh doanh của PVT sẽ chịu một số tác động từ lỗ tỷ giá trong quý IV/2022, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn từ điều kiện tốt hơn trong thị trường thuê tàu.
Do đó, SSI giữ nguyên dự báo cho PVT như trong báo cáo trước (tại đây), đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 24.000 đồng/cổ phiếu (từ 26.200 đồng/cổ phiếu) dựa trên P/E mục tiêu thấp hơn là 10 lần (từ 11 lần) để phản ánh việc hạ xếp hạng thị trường chung.
SSI duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng giá và triển vọng tích cực năm 2023. Trong 3 đến 6 tháng tới, SSI nhận thấy lợi nhuận cốt lõi của quý IV/2022 sẽ cải thiện hơn nữa khi nhiều hợp đồng thuê tàu được gia hạn với mức giá cao hơn, đây sẽ là động lực chính cho giá cổ phiếu trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thanh lý 2 tàu (PVT Eagle, PVT Dragon) sẽ mang lại một khoản lợi nhuận cho PVT trong các quý sắp tới, và đây cũng sẽ là một chất xúc tác khác cần theo dõi.
Khuyến nghị VCS: Trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC): Quý III/2022, doanh thu thuần của CTCP Vicostone (VCS – sàn HNX) đạt 1.095 tỷ đồng (giảm 41,2% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng (giảm 58,6%). Tỷ suất lợi nhuận gộp quý III đạt 31,4% giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp quý III không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của VCS sụt giảm mạnh hơn so với dự phóng. Nguyên nhân chủ yếu cho sự sụt giảm mạnh về doanh thu do thị trường của VCS chủ yếu là xuất khẩu, doanh nghiệp ảnh hưởng nhiều bởi: (1) yếu tố vĩ mô về lạm phát, lãi suất và tỷ giá diễn biến không thuận lợi; (2) áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất từ Việt Nam và các quốc gia khác lớn. Điều này dẫn tới giá trị xuất khẩu của VCS tới hai thị trường chính là Mỹ và Châu Âu bị sụt giảm.
Trong quý III/2022, dù sản lượng nhập khẩu đá thạch anh vào Mỹ tăng, tuy nhiên, nhập khẩu từ thị trường Việt Nam vào Mỹ có xu hướng đi ngang do áp lực cạnh tranh lớn.
Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu của VCS lại suy giảm đáng kể và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 5,1% do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Ngoài ra, các chi phí liên quan của VCS trong quý III cũng có chuyển biến tiêu cực, khi chi phí tài chính tăng 54,5% do lỗ chênh lệch tỷ giá 20 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 55,6% chủ yếu do chi phí nhân viên quản lý và dịch vụ mua ngoài tăng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VCS đạt 5.206 tỷ đồng (giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 1.304 tỷ đồng (giảm 27,8%). Biên lợi nhuận gộp đạt 31,1% giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ do quý II và quý III/2022, biên lợi nhuận gộp của VCS ở mức 30,7% và 31,4% thấp nhất trong các quý từ 2019 tới nay. Như vậy, sau 9 tháng, VCS mới đạt 53% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho 2022.
Với những khó khăn của thị trường bất động sản tại Mỹ khi lạm phát ở mức cao, lãi suất liên tục tăng gây áp lực lên chi phí mua nhà, VCS gặp nhiều khó khăn trong 2022 để đạt được kế hoạch đề ra.
Dù biên lợi nhuận gộp quý III không có nhiều biến động, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của VCS sụt giảm mạnh hơn so với dự kiến do áp lực cạnh tranh. Chúng tôi hạ dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VCS xuống lần lượt 5.658 tỷ đồng (giảm 20% so với năm trước) và 1.256 tỷ đồng (giảm 29%). Chúng tôi hiện đang xem xét lại giá mục tiêu VCS trong báo cáo cập nhật trong thời gian tới.
Khuyến nghị TCB: Mua với giá mục tiêu 34.200 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 7.565 tỷ đồng (giảm 2,9% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái), thu nhập ngoài lãi đạt 2.773 tỷ đồng (giảm 14,1% so với quý trước và tăng 36,2% với cùng kỳ năm ngoái).
TCB trích 609 tỷ chi phí dự phòng cho quý 3 (tăng 46% so với quý trước và tăng 3,4% với cùng kỳ năm ngoái). Chi phí hoạt động được tiết giảm bù đắp cho mức tăng trong chi phí dự phòng, nhờ đó ngân hàng chỉ ghi nhận giảm lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 8,3% so với quý trước và vẫn tăng 20,7% với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 20.821 tỷ đồng (tăng 21,7% với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 77% kế hoạch năm.
Lợi suất bình quân từ hoạt động cho vay cải thiện khoảng 0,3 điểm % so với quý trước nhờ đẩy mạnh cho vay bán lẻ cùng khả năng trả nợ của các khách hàng được tái cơ cấu quay trở lại. Tuy nhiên, lãi suất bình quân đầu vào tăng tới 0,61 điểm % so với quý trước do lãi suất huy động từ thị trường 1 và 2 tăng cao. NIM quý III giảm 0,26 điểm % còn 5,22%.
Tỷ lệ nợ xấu quý III/2022 tăng 5bps so với quý trước lên mức 0,65%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 6,6 điểm % so với quý trước xuống còn 165%. Ngân hàng còn khoảng 400 tỷ nợ tái cơ cấu đã được đưa về đúng nhóm nợ và không có quá nhiều ảnh hưởng tới NPL.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi điều chỉnh mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu TCB xuống 34.200 đồng/CP, cao hơn 39% so với giá tại ngày 31/10/2022, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp