27/04/2023 19:05
Khuyến nghị cổ phiếu 28/4: HDB, IDC, PET, DGW, HPG
HDB, IDC, PET, DGW, HPG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 28/4, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị HDB: Khả quan
CTCK Yuanta Việt Nam – FSC: Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HOSE: HDB) lên kế hoạch LNST 2023 đạt 10,6 nghìn tỷ đồng (+29% YoY). HDB đặt mục tiêu ROA 2023E đạt 2,3% (+20 điểm cơ bản YoY) và ROE là 24,5% (+1 điểm phần trăm YoY).
Chính sách cổ tức. HDB sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt 1.000 đồng/cổ phiếu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022, tương ứng với tỷ suất cổ tức là 5%.
Phương án tăng vốn. Ngân hàng cũng sẽ phát hành 377 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu và 20 triệu cổ phiếu ESOP (10.000 đồng/cổ phiếu) trong năm 2023. Sau các đợt phát hành này, vốn điều lệ của HDB sẽ tăng lên ước tính khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng so với 25,3 nghìn tỷ đồng trong Q4/2022.
Trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản. Ban lãnh đạo cho biết các khoản cho vay của doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 7,9% tổng các khoản cho vay. HDB nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng dư nợ và 1,0% tổng tài sản. Khoảng 1 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng nắm giữ là trái phiếu liên quan bất động sản.
HDB dự định mua cổ phần tại một công ty chứng khoán có giấy phép hoạt động nghiệp vụ môi giới, tự doanh và tư vấn đầu tư. Công ty chứng khoán này cũng có vốn điều lệ hơn 1 nghìn tỷ đồng và báo lãi 3 năm liên tiếp. FSC cho rằng công ty đó là CTCP Chứng khoán HD.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của HDB có vẻ cao so với mục tiêu tăng trưởng toàn ngành của NHNN đề ra là ~14% YoY. Tuy nhiên, FSC cho rằng NHNN sẽ dành hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cho HDB do HDB có chất lượng tài sản và nguồn vốn tốt, cũng như việc HDB tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Tỷ lệ cho vay / vốn huy động (LDR) trong Q4/2022 của HDB ở mức thấp 76,6% so với mức giới hạn của NHNN là 85,0%, giúp ngân hàng linh hoạt trong việc mở rộng cho vay.
Tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của HDB trong Q4/2022 cũng ở mức thấp, chiếm 1,0% tổng tài sản, điều này giúp HDB tránh bị ảnh hưởng bởi rủi ro liên quan trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn vốn và thanh khoản vững chắc: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của HDB là 13,4% trong Q4/2022, thuộc nhóm cao nhất ngành.
Nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn là 9,9% trong Q4/2022, thấp hơn nhiều so với hạn mức của NHNN là 34,0%. FSC duy trì khuyến nghị MUA. HDB đang giao dịch tương ứng với P/B 2023E là 1,0x so với trung vị ngành là 1,1x.
FSC kỳ vọng ROE điều chỉnh năm 2023 của HDB sẽ đạt 22% so với trung vị ngành là 19%. Giá mục tiêu của FSC tương ứng với tỷ suất sinh lời 12 tháng là 29% và FSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu HDB.
Khuyến nghị IDC: Khả quan
CTCK Phú Hưng - PHS: Tiềm năng phát triển nổi bật tại Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) với mảng bất động sản khu công nghiệp: Tọa lạc ở các vị trí kinh tế trọng điểm, quỹ đất thương phẩm còn lại lớn, hỗ trợ bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng chuyên sâu, các khu công nghiệp IDC hoàn toàn có khả năng đáp ứng tiêu chí thị trường khi:
Nhu cầu thuê ổn định với xu hướng gia tăng khi Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn trong làn sóng dịch chuyển "Trung Quốc +1" và Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện phát triển kinh tế và thu hút các nhà đầu tư.
Nguồn cung tại các khu vực trọng điểm không đáp ứng phù hợp với nhu cầu thị trường góp phần làm tăng giá thuê trung bình 5% - 10%/năm.
Với tiềm lực tài chính tốt, IDC đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất KCN lên đến 2.000 ha. Bên cạnh đó, IDC có động lực tăng trưởng mới của mảng năng lượng: đồng hành cùng quá trình gia tăng tỷ lệ lấp đầy của KCN Hựu Thạnh khi IDC đã được cấp phép kinh doanh truyền tải điện tại KCN này. Hiệu suất kinh doanh điện sẽ được cải thiện với khung tăng giá bán lẻ điện mới ban hành.
Ngoài ra, mảng bất động sản nhà ở - thương mại với chủ trương phát triển các khu đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội xung quanh các khu công nghiệp sẽ giúp IDC hưởng lợi từ gói chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ. Biên lợi nhuận của mảng BDS dự kiến sẽ được giữ được mức cao do chi phí đầu tư thấp trong giai đoạn trước.
Sử dụng phương pháp DCF, PHS ước tính giá trị hợp lý là 46.623 đồng/CP. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 21,9%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến kết quả kinh doanh của các dự án khu công nghiệp mới do chưa đủ cơ sở.
Rủi ro: (1) Rủi ro vướng mắc pháp lý làm chậm tiến độ các kế hoạch đang triển khai và ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu của các dự án bất động sản; (2) Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu tư các dự án mới; (3) Nhu cầu thuê đất bị tác động bởi việc cắt giảm đầu tư, mở rộng sản xuất do rủi ro suy thoái của nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn; (4) Biến động thời tiết tác động đến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện với hiện tượng El Nino đang dần thay thế thời tiết La Lina.
Khuyến nghị PET: Trung lập
CTCK Bảo Việt – BVSC: Theo BVSC, các sản phẩm ICT thuộc nhóm hàng không thiết yếu và khả năng cần thời gian để phục hồi rõ ràng, do đó các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ cải thiện của các yếu tố cơ bản vĩ mô (ví dụ: lãi suất, lạm phát, xuất khẩu và việc làm
BVSC duy trì dự báo cho Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HOSE: PET) giai đoạn 2023-2025 với mức tăng trưởng lợi nhuận kép 22,2%/năm, đồng thời chuyển cơ sở định giá sang giữa năm 2024 để kết hợp tiềm năng nhu cầu phục hồi. Giá mục tiêu mới theo phương pháp DCF cho PET là 26.209 đồng/cp (Upside: 8,3%), định giá PET ở mức P/E hợp lý giữa năm 2024 là 12,7x.
Sau khi giá cổ phiếu tăng tốt (47,1% kể từ đầu năm), PET hiện giao dịch tại mức P/E là 11,9x (giữa năm 2024) và 10,6x (2024), hợp lý so với trung bình 5 năm là 11,6x. Do đó, BVSC hạ khuyến nghị từ Outperform xuống Neutral đối với PET.
Khuyến nghị DGW: Trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC): BVSC chia sẻ quan điểm tương tự với Ban lãnh đạo CTCP Thế giới số (DGW – sàn HOSE), kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2023, trước khi phục hồi có ý nghĩa từ năm 2024.
Quan điểm của BVSC dựa trên (1) cải thiện rõ ràng hơn từ vĩ mô của Việt Nam; (2) nhu cầu thay thế từ người tiêu dùng trong giai đoạn dồn nén 2021-2022; và (3) đóng góp đầy đủ hơn từ việc phân phối các thương hiệu mới, bao gồm: Westinghouse (sản phẩm đồ gia dụng từ Mỹ) và Lotte Chilsung (đồ uống của Hàn Quốc).
Dự báo mới của BVSC cho thấy, lợi nhuận ròng của DGW sẽ giảm 34,7% so với năm trước đó trong năm 2023, phục hồi 29,4% trong năm 2024 và tăng trưởng 23,5% trong năm 2025.
BVSC điều chỉnh giảm 26,1% giá mục tiêu cho DGW theo phương pháp DCF xuống 36.967 đồng/CP (so với 50.000 đồng trước đây), do việc chuyển cơ sở định giá sang giữa 2024 phần nào bù đắp mức giảm 29,6% trong dự báo kết quả kinh doanh giai đoạn 2023-2025. Ở giá mục tiêu mới, chúng tôi định giá DGW ở mức P/E hợp lý là 12,0x (đến giữa 2024).
BVSC hạ khuyến nghị cho DGW xuống Neutral từ Outperform trước đó, do upside mới ở mức khiêm tốn là 10,0%. Ở mức giá hiện tại, DGW đang giao dịch tại P/E là 10,9x (giữa-FY24), 9,4x (2024), hợp lý so với triển vọng ngắn hạn vẫn thách thức. BVSC khuyến nghị các nhà đầu tư tăng tỷ trọng khi hồ sơ risk-reward hấp dẫn hơn.
Khuyến nghị HPG: Mua với giá mục tiêu là 34.500 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS): Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 125.499,6 tỷ đồng (giảm 11,3% so với năm ngoái) và 7.884,2 tỷ đồng (giảm 6,6%) bởi triển vọng của thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa thấy những dấu hiệu hồi phục rõ ràng.
Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 142.229 tỷ đồng (tăng 13,3% so với năm trước) và 20.574 tỷ đồng (tăng trưởng 95,7%) nhờ vào kỳ vọng hồi phục của thị trường BĐS nhờ vào chu kỳ giảm lãi suất, giúp tăng sản lượng và tối ưu hóa công suất cho doanh nghiệp.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Ngành thép trong nước vẫn chưa thể khởi sắc ngay trong năm 2023: hiện tại giá quặng thép đang hồi phục theo kỳ vọng về sự hồi phục từ thị trường Trung Quốc, tuy nhiên đầu ra của Hòa Phát chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, cụ thể ở đây là các công trình dân dụng – thứ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong ngắn hạn. Cộng với việc khó có thể tối ưu công suất sẽ gây sức ép lên chênh lệch giữa giá bán và giá đầu vào. Tuy nhiên, năm nay HPG nhiều khả năng sẽ không gặp lại các vấn đề liên quan đến lỗ tỷ giá.
(2) Trông chờ vào dự án Dung Quất 2: nhìn lại quá khứ, thành công của HPG phần lớn là nhờ vào việc thành công xây dựng Dung Quất vào đúng các thời kỳ thuận lợi của chu kỳ thép, giúp tối ưu hóa công suất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Thời gian hoàn thành dự kiến Dung Quất 2 là vào năm 2025, đây cũng là thời điểm mà Luật đất đai (sửa đổi) dự kiến được ban hành, góp phần gỡ rối cho tình hình hiện tại. Trong lịch sử các chu kỳ trước, sau mỗi chu kỳ Hòa Phát đều băng băng về phía trước để chiếm lấy miếng bánh thị phần, chúng tôi kỳ vọng vào điều tương tự khi hoàn thành Dung Quất 2.
(3) Định giá của công ty hiện tại đang tỏ ra phù hợp để nắm giữ trong dài hạn.
Sử dụng phương pháp P/B, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 34.500 đồng/CP với mức P/B mục tiêu là 1.7. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 64%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp