27/10/2022 19:19
Khuyến nghị cổ phiếu 28/10: BSR, TRA, TCB, BMP, SAB, HAH
BSR, TRA, TCB, BMP, SAB, HAH là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 28/10, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị BSR: Khả quan với giá mục tiêu là 25.800 đồng/CP
CTCK Mirae Asset Việt Nam – MASVN: Theo báo cáo tài chính Q3/2022 vừa công bố, Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận 39.567 tỷ đồng doanh thu, tăng 124% so với cùng kỳ (CK) tuy nhiên đã sụt giảm 28% so với doanh thu đạt được trong Q2/2022.
Đáng chú ý, mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số (LNST) đạt được trong Q3/2022 chỉ 479 tỷ dồng, chưa đến 5% mức gần 10.000 tỷ đồng đạt được trong quý trước. Nguyên nhân chính là do việc giá dầu Brent từ ngày 01/07 – 30/09 đã giảm từ 110 USD về 93 USD (-16%) ảnh hưởng tiêu cực đến tồn kho của BSR, kéo biên lãi gộp của công ty giảm về mức 1,65% từ mức hơn 20% của Q2/2022.
Bức tranh tổng thể về KQKD năm 2022 của BSR vẫn tích cực: Lũy kế sau 9T/2022, BSR 126.717 tỷ đồng doanh thu, tăng 90% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 12.899 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ, vượt hơn 10 lần kế hoạch kinh doanh được thông qua tại ĐHCĐ. Cơ cấu tài chính của BSR cũng cải thiện mạnh mẽ: Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đạt 19.140 tỷ, tiền gửi ngân hàng 7.384 tỷ, tổng cộng lượng tiền mặt và gửi ngân hàng của BSR đạt 26.524 tỷ đồng; Công ty chỉ còn duy nhất khoản nợ vay ngắn hạn 3.854 tỷ đồng. MASVN đánh giá cao tính bền vững của trong cơ cấu tài chính của BSR tại thời điểm hiện tại.
Khả năng LNST của BSR đã tạo đáy vào Q3/2022: Giá dầu Brent đã hồi phục và đang duy trì ổn định tại vùng 90 – 95 USD là yếu tố giúp BSR sẽ không chịu áp lực lớn từ việc trích lập tồn kho trong Quý 4. Chỉ số chênh lệch giữa giá dầu Brent và xăng Mogas 95 (chiếm tỷ trọng 31% tổng cơ cấu sản phẩm) hiện đang duy trì mức trên 45 USD. Các yếu tố trên được MASVN đánh giá sẽ giúp cho LNST của BSR thoát khỏi vùng đáy Quý 3 để bứt lên mức trên 2.000 tỷ đồng trong Quý 4.
Theo đó, MASVN kỳ vọng BSR sẽ ghi nhận 2.000 tỷ đồng LNST trong Q4/2022, theo đó cả năm công ty đạt 15.000 tỷ đồng lãi ròng, EPS ở mức 4.838 đồng/cp. Do lo ngại rủi ro thị trường, MASVN dự báo giá BSR dựa trên mức P/E thấp nhất trong giai đoạn từ 2019 đến nay là 5,35 lần, theo đó mức giá mục tiêu của BSR đạt 25.800 đồng/cp.
Trên góc nhìn kỹ thuật, BSR đang tạo vùng cân bằng tại 16.500 – 17.500, nếu bứt lên thành công, đây sẽ là vùng đáy trung hạn cho cổ phiếu. Mục tiêu ngắn hạn của BSR sẽ là mốc MA 20 ngày tại vùng 19.500. NĐT có thể cân nhắc tham gia vùng 17.000 – 17.800 và cắt lỗ khi thủng 16.500 đồng/cp.
Khuyến nghị TRA: Khả quan
CTCK KIS Việt Nam - KIS: Công ty CP Traphaco (TRA – sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu đạt 604 tỷ đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ, tăng 2,4% so với quý trước), và 77 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 8,3% so với cùng kỳ, giảm 10% so với quý trước). Biên lợi nhuận gộp giảm từ mức đỉnh 62,2% trong quý II, xuống còn 56.5% trong quý III (tăng 4,4% so với cùng kỳ).
Mặc dù KIS chưa cập nhật hết kết quả kinh doanh của toàn ngành dược, dựa trên kết quả trong quý II, TRA là một trong 5 công ty niêm yết có biên lợi nhuận gộp cao nhất. (DP3: 73%, TRA: 63%, DAN: 51%, DBD: 50%, và DTP: 48%).
Tỷ lệ SG&A trên doanh thu đạt 41,1% trong quý III (giảm 3,4%p so với quý trước, tăng 4,5%p so với cùng kỳ). Tỷ lệ SG&A trên doanh thu trong 3 quý gần nhất trung bình đạt khoảng 14%, cao hơn mức trung bình 11-12% trong 2020-2021. Chi phí bán hàng chiếm khoảng 68% tổng chi phí SG&A trong 9 tháng năm 2022. Trong đó, chi phí nhân viên chiếm 44% tổng chi phí bán hàng, tiếp theo là chi phí quảng cáo (33%).
Sau khi đạt đỉnh trong quý II, biên lợi nhuận ròng giảm 1,8%p so với quý trước và đạt 12,7% trong quý III.
Trong 9 tháng năm 2022, TRA ghi nhận doanh thu/lợi nhuận sau thuế đạt 1.818 tỷ đồng (tăng 14,4%) và 251 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ), hoàn thành 78%/88% kế hoạch năm.
Chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 51% giá vốn, tiếp theo là chi phí nhân công (19%) trong 9 tháng đầu năm 2022. Tính riêng trong quý 3, KIS ước tính chi phí nguyên vật liệu tăng khoảng 51% so với quý trước.
Khác với những công ty sản xuất dược phẩm khác phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu (khoảng 70% nguyên vật liệu đầu vào là hóa chất nhập khẩu), TRA có lợi thế về tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào từ thảo dược.
5 vùng nuôi trồng quy hoạch của TRA được bộ Y Tế chứng nhận đạt chuẩn GACP-WHO (chứng nhận đề cử bởi tổ chức WHO) từ năm 2016.
TRA đang được giao dịch tại mức 13.4x TTM PE, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 14.9x, và 3.0x PB, cao hơn mức trung bình 3 năm là 2.7x.
Khuyến nghị TCB: Khả quan
CTCK Bảo Việt – BVSC: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 10.338 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 5.298 tỷ đồng (tăng 22,1%). Lợi nhuận sau thuế của Techcombank tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ nhưng giảm nhẹ so với quý liền kề với mức giảm là 8,7%.
Cùng với sự điều chỉnh của thị trường chung, mức giá của TCB cũng điều chỉnh và kéo mức P/B trượt giảm xuống còn 0,67 lần, thấp hơn mức P/B trung bình lịch sử là 1,5 lần. Đây là mức định giá tương đối hấp dẫn cho cổ phiếu đã duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm và có hiệu quả hoạt động cao.
Tuy nhiên, với quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao..., BVSC đang xem xét lại dự báo cũng như định giá và sẽ cập nhật trong báo cáo tới.
Khuyến nghị SAB: Khả quan
CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 44% và 77% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 25 nghìn tỷ đồng và 4,2 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của SAB trong 9 tháng năm 2022 lần lượt hoàn thành 70% và 81% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Bên cạnh đó, CTCK SSI cho rằng, ở mức giá hiện tại, SAB đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 21,8 lần và 19,7 lần. Do đó, SSI cũng đang xem xét lại ước tính và giá mục tiêu đối với SAB. Giá cổ phiếu SAB hiện đã tăng 23% so với đầu năm, vượt trội so với diễn biến của thị trường chung, khi VN-Index giảm 35% so với đầu năm.
Khuyến nghị BMP: Khả quan với giá mục tiêu là 74.300 đồng/CP
CTCK DSC (DSC): Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng đầu và có uy tín tại Việt Nam về các sản phẩm ống nhựa và phụ tùng ống nhựa các loại phục vụ cho ngành cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, điện lực, xây dựng công nghiệp và dân dụng.
Công ty hiện sở hữu và vận hành 04 nhà máy sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Hưng Yên với tổng công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm. BMP hiện là doanh nghiệp số 1 về mảng ống nhựa ở Việt Nam với hơn 25% thị phần, trong đó BMP chiếm tới hơn 50% thị phần tại thị trường miền Nam.
Biên lợi nhuận gộp của BMP được cải thiện nhờ việc giá hạt nhựa PVC – nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhựa xây dựng, đã giảm mạnh và hiện đang duy trì quanh mức giá 830 USD/tấn, thấp hơn 56% so với đỉnh hồi tháng 10/2021. Bên cạnh đó việc các nhà máy của BMP gia tăng công suất khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch cũng làm giảm áp lực lên các chi phí cố định của doanh nghiệp.
BMP đã tăng giá bán khoảng 40% trong năm 2021 sau 10 năm không hề tăng giá bán, DSC kỳ vọng việc Nhựa Bình Minh duy trì giá bán ở mức cao trong bối cảnh giá hạt nhựa PVC giảm sâu sẽ giúp đạt được mức biên lợi nhuận cao quý IV. Ngoài ra điều này còn giúp BMP gia tăng sức mạnh cạnh tranh về giá trên thị trường nhờ chi phí thấp, trong tương lai BMP có thể sẽ chia sẻ lợi ích với các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng nhằm giữ vững thị phần số 1 miền Nam và đẩy mạnh "đánh chiếm" thị phần tại miền Bắc.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, BMP cũng phải chịu những rủi ro như việc tăng giá nguyên liệu hạt nhựa đầu vào (PP, PE…) nếu giá dầu tăng cao; ngành nhựa có rào cản gia nhập ngành thấp dẫn đến mức độ cạnh tranh cao; thị trường vật liệu xây dựng nói chung và nhựa xây dựng nói riêng có nguy cơ giảm sút do thị trường bất động sản tại Việt Nam đang khá trầm lắng.
Kết quả kinh doanh của BMP khởi sắc sau khi về tay của người Thái do Nhựa Bình Minh được hưởng lợi từ hệ sinh thái của "ông trùm" ngành nhựa Thái Lan – SCG (công ty mẹ của The Nawaplastic Industries). Hệ sinh thái này bao gồm từ cung cấp 1 phần nguyên liệu sản xuất đầu vào cho BMP cho tới năng lực quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và kinh nghiệm dày dặn trên thị trường ngành nhựa. DSC đánh giá đây sẽ là lợi thế cạnh tranh trong trung và dài hạn của BMP so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Doanh thu thuần quý III/2022 của BMP đạt 1.495,8 tỷ, tăng trưởng 183,8% trên nền thấp cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng được cải thiện từ 23,6% hồi đầu năm lên 28,3% trong quý vừa qua nhờ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh và BMP gia tăng sản xuất giúp giảm áp lực lên chi phí sản xuất.
Trong đại hội cổ đông thường niên 2022, Ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu tăng 24,4% so với cùng kỳ lên 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 109% lên 448 tỷ đồng. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã thực hiện 77,6% kế hoạch doanh thu đặc biệt đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2022.
Trong năm 2020 và 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh khó khăn song BMP vẫn duy trì 4 đợt trả cổ tức tiền tỷ với tỷ lệ từ 14,8 - 28,4%, điều này cho thấy doanh nghiệp có dòng tiền ổn định bất chấp khó khăn.
Trong quý năm 2022, BMP đã triển khai 3 đợt trả cổ tức bằng tiền vào tháng 1,5 và 10 với tỷ lệ tương ứng là 12,5%, 13,5% và 31%. Đợt trả cổ tức vào cao bất thường vào tháng 10/2022 vừa qua là nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, doanh nghiệp về đích kế hoạch lợi nhuận 2022 khi mới kết thúc Q3/2022 nên BMP đã ngay lập tức "phân phối thành quả" cho các cổ đông của mình.
DSC dự phóng kết quả kinh doanh BMP trong quý IV sẽ khởi sắc, trong năm 2022 doanh thu của Nhựa Bình Minh ước tính đạt 6.010 tỷ đồng (tăng 31,7% so với năm trước), cùng với lợi nhuận sau thuế đạt 615 tỷ đồng (tăng 187,4%), tương ứng với EPS 7.512 đồng/cổ phiếu. Bằng việc kết hợp giữa phương pháp định giá P/E và DCF với trọng số ngang nhau, DSC đưa ra mức định giá cho cổ phiếu BMP ở mức 74.300 đồng/CP, UPSIDE 26% so với giá đóng cửa ngày 26/10/2022.
Khuyến nghị HAH: Trung lập
CTCK Guotai Junan Việt Nam: Giá cước vận tải container giảm mạnh 65% từ đỉnh. Giá thuê tàu giảm theo giá cước khi nhu cầu vận tải giảm mạnh.
Một lượng cung tàu đóng mới sẽ bàn giao trong năm 2023 và 2024, ước tính khoảng 28% đội tàu hiện có (7,1 triệu teus được đưa vào trong 2 -3 năm tới so với tổng công suất hiện tại là 25 triệu teus).
Lợi nhuận CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH – sàn HOSE) sẽ giảm mạnh khi các hợp đồng cũ đến thời điểm gia hạn vào cuối 2022 và 2023.
Rất khó để nhận định mức suy giảm của giá cước và giá thuê trong bối cảnh lạm phát rất cao và khả năng FED tăng lãi suất mạnh còn tiếp diễn.
Chúng tôi cho rằng với mức đầu tư lớn vào đội tàu trong năm vừa qua tại mức giá cao kéo theo hiệu suất đầu tư giảm trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập với cổ phiếu HAH.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp