26/05/2022 14:01
Khủng hoảng nợ tiếp tục đè nặng lên thị trường bất động sản Trung Quốc
Thị trường bất động sản của Trung Quốc, trụ cột chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã suy yếu mạnh trong năm qua do chính phủ kiềm chế các khoản vay quá nhiều của các nhà phát triển và tình trạng suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra.
Cho đến thời điểm này, hơn 100 thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện các bước để thúc đẩy nhu cầu mua nhà thông qua việc cắt giảm tỷ lệ thế chấp, các khoản trả trước nhỏ hơn và trợ cấp. Tuy nhiên, triển vọng vẫn còn ảm đạm khi chính phủ thực thi các quy định nghiêm ngặt về COVID ở hàng chục thành phố và điều này đã đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng.
Các vấn đề về thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, với việc giá nhà không tăng trưởng trong cả năm, theo cuộc thăm dò mới nhất của Reuters.
Các nhà phân tích cho biết, nhà ở tồn đọng trên toàn quốc đang ở mức cao, đặc biệt là ở các thành phố cấp 3 và 4, nơi đang phải đối mặt với áp lực giảm nguồn cung lớn do nhu cầu chậm lại.
Doanh số bán bất động sản trong tháng 4, tính theo giá trị, đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 16 năm mặc dù đã có thêm nhiều bước nới lỏng chính sách nhằm phục hồi lĩnh vực này.
Việc cắt giảm lãi suất hơn nữa trong tháng này nhằm giảm bớt gánh nặng thế chấp của người mua nhà đã không thuyết phục được các nhà đầu tư.
Fitch Ratings tháng trước đã hạ dự báo về doanh số bán bất động sản theo giá trị, dự đoán doanh số sẽ giảm 25% -30% vào năm 2022, so với dự báo trước đó là giảm 10-15%.
Các nhà quản lý tài chính đã cam kết giữ tăng trưởng tín dụng ổn định trong lĩnh vực bất động sản và giúp những người mua nhà bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát COVID-19 có thể trì hoãn các khoản thanh toán thế chấp của họ, Ngân hàng trung ương cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba.
Nhiều nhà phát triển bất động sản tư nhân đã "thắt lưng buộc bụng" khi phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm và gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Họ nói rằng sẽ mất nhiều tháng nữa trước khi các biện pháp nới lỏng của các cơ quan quản lý mới có tác động đáng kể đến thị trường.
Một số nhà phát triển đang chú ý đến lời kêu gọi của Bắc Kinh và tăng tốc thúc đẩy các lĩnh vực kinh doanh tài sản như dịch vụ bất động sản và bất động sản thương mại để cắt giảm sự phụ thuộc vào mô hình nợ cao, doanh thu cao – những thứ được cho là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Việc xây dựng mới đã giảm 44,19% trong tháng 4 so với một năm trước đó. Các chủ đầu tư cũng làm chậm tiến độ xây dựng mới khi họ cố gắng bảo toàn vốn, làm tăng thêm những bất ổn mà người mua nhà tiềm năng phải đối mặt.
Dữ liệu chính thức hồi đầu tháng cho thấy, tăng trưởng cho vay bằng nhân dân tệ đã giảm xuống trong tháng 4 khi đại dịch khuấy động nền kinh tế và làm suy yếu nhu cầu tín dụng. Các khoản vay hộ gia đình, bao gồm cả các khoản thế chấp, đạt 217 tỷ nhân dân tệ và điền này cho thấy thị trường đã đóng băng sâu.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp