01/11/2022 10:06
Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ có làm thay đổi quan hệ thương mại Mỹ - Trung?
Nước Mỹ chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tuần sau, tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp ở Trung Quốc không hy vọng rằng mối quan hệ thương mại hai nước được cải thiện, bất kể kết quả của cuộc bầu cử như thế nào.
Thuật ngữ "Mối đe dọa Trung Quốc" đã thành một chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử, khi cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tỏ rõ quan điểm cứng rắn với siêu cường châu Á này.
Ngay cả khi quyền kiểm soát của Quốc hội bị đảo lộn trong cuộc bầu cử, các nhà quan sát cho rằng, sự ngờ vực chiến lược lẫn nhau giữa hai siêu cường này vẫn sâu sắc đến mức mà sự thay đổi ở cơ quan lập pháp của cường quốc đứng đầu thế giới vẫn khó có thể tạo ra sự khác biệt trong mối quan hệ giữa hai nước.
Quốc hội Mỹ bao gồm hai phần là Hạ viện và Thượng viện.
"Tôi nghĩ không có vấn đề gì thay đổi. Cho dù đảng Dân chủ có thể giữ đa số, hoặc đảng Cộng hòa có thể lấy lại Hạ viện hoặc Thượng viện, chính sách đối với Trung Quốc của họ là tương tự nhau. Điều duy nhất là họ đang chiến đấu với nhau để cho thấy ai là người mạnh hơn – Mỹ hay Trung Quốc", He Weiwen - thành viên hội đồng điều hành Hiệp hội Thương mại Quốc tế Trung Quốc cho biết.
"Vì vậy, hệ sinh thái chính trị chung xung quanh cuộc bầu cử giữa kỳ là bất lợi cho quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ", ông cho biết thêm.
Với căng thẳng Trung - Mỹ ở mức cao nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu vào năm 1979 và các nhà phân tích tỏ ra bi quan về triển vọng của quan hệ song phương - cho dù trong lĩnh vực địa chính trị hay an ninh, hay ngay cả trong lĩnh vực thương mại.
Thương mại là phép thử hàng đầu cho quan hệ Mỹ - Trung?
Một cuộc khảo sát về các công ty Mỹ tại Trung Quốc, do Phòng Thương mại Mỹ thực hiện vào tháng 3 năm nay, cho thấy 56% các công ty coi căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng là thách thức hàng đầu của họ, tiếp theo là quy định không nhất quán và chi phí lao động tăng.
Một công ty thương mại đã chứng kiến tỷ suất lợi nhuận của mình bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế 25% áp lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Thuế quan là di sản có từ thời chính quyền Trump và Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên kể từ khi ông nhậm chức.
Ông David Lye, Giám đốc điều hành của Qingdao Haoxin, công ty xuất khẩu phụ tùng ô tô sang Mỹ, cho biết: "25% thực sự là một cú đánh lớn, bởi vì điều đó khiến chúng tôi kém cạnh tranh hơn".
"Vì vậy, giá chắc chắn sẽ tăng lên. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi, vì một số khách hàng sẽ chuyển đi nơi khác để mua, bên ngoài Trung Quốc", ông cho biết thêm.
Đối với ông Lye, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm cách bỏ qua thuế quan là những yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại của công ty của ông.
Giờ đây, ông lo ngại rằng, sự leo thang của vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) - điểm khác biệt cơ bản nhất làm rung chuyển quan hệ Trung-Mỹ - có thể làm xấu đi môi trường kinh doanh cho các thương nhân kinh doanh xuyên biên giới.
Môi trường kinh doanh không chắc chắn?
Ông Lye nói: "Chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng vì nó được liên kết với nhau. Mỹ muốn hạn chế một số sản phẩm nhất định. Họ có thể sẽ hạn chế một số sản phẩm của chúng tôi xuất sang nước này. Đây có thể là những chính sách sẽ bất ngờ xuất hiện và chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
"Tôi nghĩ mình đã làm đúng. Tôi đã chuyển một số sản phẩm sang Việt Nam, sang Ấn Độ", ông nói thêm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chip đang gặp khó khăn.
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các công ty nước ngoài vì những tiến bộ công nghệ, nhưng Mỹ đã ra lệnh cấm xuất khẩu chip trong tháng này nhằm mục đích cắt nước này khỏi các chất bán dẫn tiên tiến.
Theo ước tính của các nhà phân tích, Trung Quốc còn ít nhất ba thập kỷ nữa mới bắt kịp các đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực này, và các nỗ lực của Mỹ nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận nhập khẩu có nguy cơ trở thành điểm nghẽn.
"Kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, trọng tâm của Hoa Kỳ đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như Liên minh Chip 4 và Đạo luật Khoa học và Công nghệ chip. Họ cũng muốn xây dựng chuỗi cung ứng ngoại trừ Trung Quốc, để đề phòng Trung Quốc", ông He, một cựu quan chức thương mại Trung Quốc, cho biết.
"Điều đó sẽ kiềm chế Trung Quốc và cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Trung Quốc", ông nói thêm.
(Nguồn: CNA)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement