03/09/2023 13:50
Hồng Kông có cần thêm 'danh hiệu' tòa nhà chọc trời nào nữa không?
Những tòa nhà chọc trời dọc Cảng Victoria từ lâu đã là hình ảnh thu nhỏ của sức mạnh trung tâm tài chính này. Tuy nhiên, việc chú trọng vào các tòa nhà cao tầng ở các khu thương mại trung tâm dường như đang bị đặt nhầm chỗ.
Jardine House, trước đây gọi là Connaught Center, được mở cửa vào những năm 1970 là tòa nhà cao nhất Hồng Kông với 52 tầng. Vài năm sau, Trung tâm Hopewell 66 tầng, với nhà hàng xoay đặc trưng nằm trên đỉnh tòa tháp tròn độc đáo được xây dựng, Connaught Center không còn danh hiệu là tòa nhà cao nhất ở Hồng Kông.
Các kỷ lục lần lượt bị phá vỡ bởi tòa tháp Bank of China mở cửa năm 1990, Central Plaza (hoàn thành năm 1992), Two IFC (2003) và ICC (2010) lần lượt được xây dựng.
Được mệnh danh là một thành phố trên bầu trời, Hồng Kông được biết đến với số lượng những tòa cao ốc "siêu khổng lồ" nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Nền kinh tế đang bùng nổ, nhu cầu thuê văn phòng hạng A tăng cao và chộp lấy ngay khi nó được tung ra thị trường.
Mọi thứ đã thay đổi trong những năm gần đây. Cuộc cách mạng kỹ thuật số, sự phân cấp kiến thức, dịch vụ và trao đổi giá trị, đại dịch toàn cầu và lời kêu gọi cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống đều đặt ra câu hỏi về phương thức làm việc và cuộc sống văn phòng truyền thống.
Cách thế giới thương mại xử lý phong trào "làm việc tại nhà" vẫn đang được quan tâm, khi các công ty lớn và nhỏ đang cố gắng hết sức để cân bằng kỳ vọng của người sử dụng lao động và quyền lợi của nhân viên.
Vào tháng 5/2021, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, đã tuyên bố rằng ông sẽ khôi phục văn phòng giống như trước đây và hủy tất cả các cuộc họp qua Zoom của mình. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm nay, The Atlantic lưu ý rằng công ty đang cắt giảm diện tích văn phòng ở Manhattan do nhân viên chưa quay trở lại văn phòng đầy đủ.
Theo CBRE, tỷ lệ văn phòng trống trên toàn cầu là 12,9% vào cuối quý 1 năm nay, với tỷ lệ cao nhất ở các đô thị của Mỹ như Chicago, Los Angeles và San Francisco. Tỷ lệ văn phòng trống ở Hồng Kông đứng thứ tám với 15%, cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng thị trường bất động sản thương mại sụt giảm không phải chỉ vì nhiều hợp đồng thuê dài hạn được ký trước đại dịch vẫn chưa hết hạn. Mà tệ hơn là hầu hết các khoản vay thương mại cũng được thực hiện trước đại dịch và lãi suất cao cũng không giúp ích được gì.
Một báo cáo của Unispace Global Workplace Insights cho thấy 60% nhân viên ở Hồng Kông không muốn quay lại văn phòng. Trong khi đó, các văn phòng hạng A vẫn đang được triển khai, bao gồm The Henderson và Cheung Kong Center 2 ở các lô đất đắc địa ở khu trung tâm.
Trong hợp đồng cho thuê thương mại lớn nhất trong năm, ICBC được cho là sẽ tiếp quản 10 tầng tại Cheung Kong Center 2. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn sẽ là ai sẽ lấp đầy những chỗ trống đó?
Từ sau đại dịch, mọi người nhận ra rằng họ có thể làm việc ở bất cứ đâu. Giờ đây, lối sống chất lượng với môi trường sống lành mạnh là mối quan tâm hàng đầu, các không gian công cộng rộng mở và những cộng đồng đa dạng về văn hóa và trí tuệ được tìm kiếm mạnh mẽ.
Các tòa nhà thải ra khoảng 40% lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm. Hầu hết trong số đó là ở Hồng Kông, nơi có máy điều hòa 24/7 với các biện pháp thiết kế bền vững còn hạn chế.
Khi mật độ các tòa nhà chọc trời tăng lên thì các tòa tháp càng cao càng thải ra nhiều carbon do hoạt động không ngừng nghỉ của cơ sở và hệ thống cơ khí phức tạp. Những tòa nhà chọc trời giờ đây dường như hoàn toàn trái ngược với những gì con người cần để phát triển đô thị bền vững.
Carol Ross Barney, người đã giành huy chương vàng của Viện Kiến trúc Mỹ năm nay, cho biết các tòa nhà chọc trời "sẽ chỉ là chiến tích" vì giá trị của chúng chỉ là tên gọi mà thôi.
London là một ví dụ điển hình về nơi mạng lưới các khu dân cư có thể đi bộ xen kẽ với các công viên lớn, quảng trường công cộng và vỉa hè rộng với đầy đủ quán ăn nhà hàng. Không có phương tiện giao thông tốc độ thấp cũng như làn đường dành riêng cho xe đạp. Khu tài chính không được coi là trung tâm đô thị.
Giờ đây những không gian đô thị lấy con người và lối sống làm trung tâm nên ngày càng được phát triển. Trong phát triển đô thị bền vững, thước đo cần tập trung vào thay vì chiều cao tòa nhà sẽ là những khu dân cư có lượng khí thải carbon thấp nhất, nhiều cây xanh và không gian công cộng nhất cũng như năng suất phục vụ cao nhất cho đời sống con người.
Những danh hiệu trông thật bắt mắt, nhưng những khu dân cư có không khí trong lành mới thực sự là nơi chúng ta sống và thở.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement