10/07/2021 07:32
Hàng loạt siêu đô thị châu Á trong vòng phong tỏa vì COVID-19
Các thành phố vốn cực kỳ đông đúc của châu Á đang nối đuôi áp đặt các biện pháp giãn cách, dù dưới tên gọi là "phong tỏa", hay "giới nghiêm", hay "giãn cách xã hội".
Vào cùng một ngày (9/7), giới chức thủ đô Seoul (Hàn Quốc) thông báo nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất, trong khi Thái Lan bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thủ đô Bangkok. Trước đó một ngày, Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp cho thủ đô Tokyo trong khi Olympic chỉ còn 2 tuần nữa sẽ khai mạc.
Trước đó một ngày nữa, chính quyền bang New South Wales (Australia) cũng quyết định phong tỏa thành phố Sydney thêm một tuần để hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2. Các biện pháp phong tỏa ở Malaysia và Indonesia tiếp tục được gia hạn.
Sau nhiều tháng giữ số ca mắc Covid-19 ở mức thấp, tình hình dịch bệnh ở Australia đang chuyển biến xấu, đặc biệt ở New South Wales, bang đông dân nhất Australia. Chỉ tính riêng thành phố Sydney, số ca mắc mới đã vượt quá 400 ca.
Ở Đông Nam Á, Indonesia và Malaysia là hai nước đang dẫn đầu khu vực về số ca mắc mới Covid-19 trong ngày. Indonesia ghi nhận hơn 30.000 ca, trong khi con số này của Malaysia là gần 10.000.
Ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc ghi nhận 1.316 ca mắc mới trong ngày 8/7. Đây là con số cao kỷ lục kể từ đầu đại dịch. Trong khi đó, số ca mắc mới Covid-19 của Nhật Bản đang có dấu hiệu tăng trở lại, sau khi nước này vượt qua làn sóng dịch thứ tư hồi đầu năm.
Trước làn sóng dịch mới, lựa chọn của Australia, Indonesia và Malaysia là áp đặt phong tỏa nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngược lại, Hàn Quốc và Nhật Bản lựa chọn các biện pháp thấp hơn để tránh gây thiệt hại về kinh tế.
Australia: Thẩm quyền của từng bang
Tại Australia, thẩm quyền ban hành các biện pháp hạn chế thuộc về chính quyền bang. Do tình hình dịch bệnh ở mỗi bang là khác nhau, các biện pháp phong tỏa được các bang áp dụng cũng không tương đồng.
Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian vừa tuyên bố siết chặt các biện pháp phong tỏa hôm 9/7, trong bối cảnh bang này đang phải đối mặt với làn sóng dịch mới. Theo bà Berejiklian, chỉ khi số ca mắc mới trong cộng đồng về 0, bang New South Wales mới dỡ bỏ các biện pháp này.
Người dân New South Wales không được ra khỏi nhà, ngoại trừ trong bốn trường hợp thực sự cần thiết: mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, chăm sóc y tế (bao gồm tiêm vaccine Covid-19), tập thể dục với nhóm không quá 2 người (không được đi cách nhà quá 10 km), đi làm hay đi học (trong trường hợp không thể làm việc hay học trực tuyến).
Trong khi phong tỏa, siêu thị và cửa hàng tạp hóa vẫn được mở cửa. Nhà hàng chỉ được bán mang về. Các cơ sở dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim, nhà hát, billiards, trò chơi điện tử… đều phải đóng cửa.
Kể từ ngày 9/7, người dân không được tự tay lựa chọn hàng trong cửa hàng, siêu thị. Ngoài ra, mỗi gia đình chỉ được cử một thành viên đi mua hàng mỗi ngày.
Tại thành phố Sydney và khu vực lân cận, các đám cưới không được phép tổ chức. Trong khi đó, các đám tang giới hạn tối đa 100 người tham dự. Đến dự đám tang được coi là một lý do để ra khỏi nhà. Kể từ ngày 11/7, đám tang sẽ giới hạn 10 người tham dự và phải tuân thủ quy định phòng dịch.
Ngoài ra, số khách đến nhà bị giới hạn ở con số 5. Người dân ở khu vực Sydney và một số khu vực có nguy cơ cao không được di chuyển sang các bang còn lại của Australia.
Tại những khu vực có nguy cơ cao, người dân chỉ được tụ tập tối đa 2 người ở nơi công cộng. Khẩu trang là bắt buộc với các hoạt động trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng hay sân vận động…
Ở các bang khác, các biện pháp hạn chế được thực thi ở cấp độ thấp hơn khi tình hình dịch bệnh phần nào được kiểm soát. Bang Victoria dã dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế đi lại trong bang. Bang này cũng dỡ bỏ quy định phải đeo khẩu trang trong trường học.
Vùng lãnh thổ phương Bắc và bang Tây Australia cũng đã dỡ bỏ phong tỏa quy mô nhỏ ở những thành phố như Perth, Darwin hay Alice Springs. Các cửa hàng vẫn được mở cửa, tuy một số nơi vẫn áp đặt hạn chế về lượng người đến cửa hàng.
Từng bang của Australia có các biện pháp hạn chế đi lại liên bang khác nhau. Bang Nam Australia cấm người tử bang New South Wales và thủ đô Canberra di chuyển đến. Vùng lãnh thổ phương Bắc không cấm người di chuyển đến, nhưng yêu cầu người từ các “điểm nóng” về dịch phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Đông Nam Á mạnh tay
Trước khi buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế quy mô lớn, chính phủ Indonesia coi các biện pháp phong tỏa quy mô nhỏ (micro-lockdown). Theo đó, chính phủ nước này sẽ quy định các khu vực “đỏ, vàng và xanh”. Trong đó, khu vực màu đỏ có nguy cơ cao nhất và bị áp đặt các biện pháp hạn chế.
Các biện pháp này yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại khu vực màu đỏ hạn chế số người làm việc tại chỗ ở mức 25% sức chứa. Điều đó có nghĩa 75% người lao động phải làm việc tại nhà. Trong khi đó, các văn phòng làm việc ở những khu vực khác cũng chỉ được hoạt động với 50% sức chứa.
Trường học ở khu vực màu đỏ phải đóng cửa. Học sinh sẽ chuyển sang học trực tuyến hoặc học từ xa, tùy theo điều kiện địa phương. Các cơ sở tôn giáo và những hoạt động có thể tụ tập đông người bị cấm “cho đến khi tình hình tốt lên”.
Các cửa hàng và nhà hàng vẫn được phép đón 25% khách so với sức chứa tối đa. Tuy vậy, giờ đóng cửa được đẩy từ 21h lên 20h. Các dịch vụ thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc vẫn được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch. Các phương tiện giao thông công cộng phải hạn chế chỗ ngồi và giảm giờ hoạt động.
Biện pháp phong tỏa quy mô nhỏ được kỳ vọng sẽ giúp Indonesia kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu tối đa tác hại về kinh tế. Tuy vậy, biện pháp này không tỏ ra hiệu quả. Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Indonesia đã vượt quá con số 30.000 và vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Ngày 3/7, nước này phải ban hành lệnh phong tỏa một phần ở thủ đô Jakarta, đảo Java và đảo Bali. Các văn phòng, nhà thờ, công viên, trung tâm mua sắm và nhà hàng phải đóng cửa. Từ ngày 7/7, các biện pháp hạn chế được mở rộng ra toàn quốc.
Bên cạnh Indonesia, quốc gia láng giềng Malaysia cũng đang phải áp đặt biện pháp phong tỏa trên quy mô toàn quốc để phòng dịch.
Ngày 10/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ban hành lệnh phong tỏa từ ngày 12/5 đến ngày 7/6 trên toàn quốc để đối phó với làn sóng dịch mới ở quốc gia Đông Nam Á này.
Theo đó, người dân không được quyền đi lại giữa các bang, trừ khi có lý do y tế hay một số trường hợp đặc biệt khác. Các trường học phải chuyển sang dạy trực tuyến. Nhà thờ vẫn mở cửa, nhưng số tín đồ bị giới hạn ở mức 50 (đối với nhà thờ lớn) và 20 (đối với nhà thờ nhỏ).
Trong khi đó, người dân vẫn được đi làm. Thủ tướng Yassin tuyên bố “mọi lĩnh vực kinh tế” sẽ tiếp tục hoạt động.
Ngày 25/5, Malaysia gia tăng một phần biện pháp chống dịch. Người dân chỉ còn được đến nhà hàng hay trung tâm mua sắm trong tối đa 2 giờ. Các cơ sở này phải đóng cửa lúc 8 giờ tối, trong khi phương tiện vận tải chỉ được hoạt động với 50% công suất.
Kể từ ngày 1/6, Malaysia chính thức chuyển sang “phong tỏa toàn diện”. Lệnh phong tỏa toàn diện chỉ cho phép các lĩnh vực kinh tế và dịch vụ thiết yếu được hoạt động. Từ đó đến nay, Malaysia đã hai lần gia hạn phong tỏa khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Các biện pháp mạnh của chính phủ Malaysia ban đầu phát huy hiệu quả. Số ca mắc mới đạt đỉnh vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6 rồi có xu hướng giảm dần. Tuy vậy, kể từ cuối tháng 6, số ca mắc mới lại có chiều hướng gia tăng, buộc nước này phải tăng cường các biện pháp hạn chế ở thủ đô Kuala Lumpur và vùng phụ cận.
Đông Bắc Á cố gắng tránh phong tỏa
Bên cạnh Đông Nam Á, các quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải chấp nhận áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn để phòng dịch.
Ngày 9/7, Hàn Quốc thông báo nâng yêu cầu giãn cách xã hội ở thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon lên cấp độ 4 trong hai tuần. Đây là cấp độ giãn cách xã hội cao nhất, nhưng vẫn thấp hơn một bậc so với phong tỏa toàn diện.
Theo cấp độ giãn cách này, người dân được khuyến cáo ở nhà khi có thể, trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Các cuộc tụ tập quá 2 người bị cấm sau 6 giờ tối. Biểu tình và tuần hành đông người bị cấm, tuy người dân vẫn có thể biểu tình một mình.
Khách sạn và cơ sở lưu trú chỉ hoạt động với tối đa hai phần ba sức chứa. Rạp chiếu phim và nhà hát không được mở cửa sau 22h, còn hộp đêm và quán bar phải đóng cửa. Nhà hàng và quán cà phê phải hạn chế chỗ ngồi và chỉ bán mang về sau 10h.
Các sự kiện thể thao vẫn được tổ chức, nhưng không được đón khán giả. Chỉ người thân trong gia đình được tham gia đám cưới và tang lễ. Trong khi đó, người sử dụng lao động được khuyến cáo để 30% lao động làm việc từ xa.
“Chiến lược của chính phủ là cố gắng tránh phong tỏa do lo ngại tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Cấp độ 4 là mức độ kiên mạnh mẽ nhất mà chính phủ có thể áp dụng”, giáo sư Kim Dong Hyun, nguyên chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc, nhận định.
Giống như Hàn Quốc, người láng giềng Nhật Bản không áp đặt các biện pháp phong tỏa đất nước trong bối cảnh Olympic Tokyo chuẩn bị khởi tranh. Thay vào đó, nước này đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo. Lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/7.
Đây là lần thứ tư thủ đô Tokyo được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ khi đại dịch bùng phát.
Người dân Tokyo được khuyến cáo không ra khỏi nhà sau 20h, không đi sang các tỉnh khác, hạn chế tập trung đông người hay đến những nơi không đảm bảo biện pháp phòng dịch. Tuy vậy, việc đi mua sắm thực phẩm, thuốc men không bị hạn chế.
Các sự kiện tập trung đông người cũng bị hạn chế về thời gian và số người tham dự, tùy theo quy định của chính quyền địa phương. Người lao động cũng được khuyến cáo làm việc tại nhà và hủy bỏ các chuyến công tác chưa cấp bách. Cơ sở sử dụng lao động được khuyến cáo cắt giảm 70%.số người đến tận nơi làm việc.
Các nhà hàng phải đóng cửa từ 20h. Đặc biệt, những nơi có phục vụ bia, rượu hay có dịch vụ karaoke phải đóng cửa. Người dân cũng không được mang bia, rượu từ bên ngoài vào nhà hàng, cũng như tụ tập uống rượu trên đường phố hay ngoài công viên.
Ngoài ra, các môn thi đấu của Olympic Tokyo sẽ không đón khán giả theo dõi. Đây là lần đầu tiên một kỳ Thế vận hội diễn ra không khán giả.
“Chúng ta phải tránh một đợt bùng phát dịch mới bắt nguồn từ Tokyo. Do đó, chính phủ quyết định áp đặt các biện pháp phòng ngừa và một lần nữa ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo”, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide tuyên bố hôm 8/7.
“Tổ chức một kỳ Olympic an toàn giữa đại dịch là cơ hội tốt nhằm chứng tỏ sự đoàn kết toàn cầu để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt”, ông Suga nói.
Chủ đề liên quan
Advertisement