19/03/2020 11:42
Giá thịt heo vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung đang giảm mạnh
Giá thịt heo trong nước vẫn đang ở mức cao, trong khi nguồn cung thế giới đang giảm do ảnh hưởng dịch tả heo Châu Phi, cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Giá thịt heo giảm nhỏ giọt
Theo ghi nhận chiều 17/3 tại TP.HCM, giá heo hơi được bán ra tại nhiều doanh nghiệp giữ ở mức trên dưới 75.000 đồng/kg. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho biết, hiện giá heo hơi mua vào (chở tận lò mổ) vẫn khoảng 89.000 đồng/kg như nhiều ngày trước.
Ông An cho rằng mức giá trên cần giảm bởi không thể cao hơn giá 80.000 - 85.000 đồng/kg heo hơi trước tết được. "Hầu như bếp ăn tập thể, bếp trường học đã nghỉ khiến nhu cầu giảm. Giá thịt heo đúng ra phải giảm so với trước tết", ông An nhận định.
Tương tự, đại diện một siêu thị tại TP.HCM khẳng định giá heo hơi 75.000 đồng/kg không nhiều, phần lớn siêu thị phải mua trên dưới 80.000 đồng/kg. Khảo sát một số chợ truyền thống tại Hà Nội, giá thịt heo cũng neo ở mức trên 80.000 đồng/kg heo hơi, nên giá bán tới tay người tiêu dùng vẫn ở mức trên 160.000 đồng/kg thịt ba rọi, sườn non; thịt nạc vai là 150.000 đồng...
Nhiều doanh nghiệp không thực hiện cam kết
Trong khi đó, ông Kiều Đình Thép, giám đốc kinh doanh Công ty CP VN khu vực miền Bắc, cho biết quan điểm CP luôn ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Hiện giá heo hơi ở miền Bắc của công ty bán ra là 74.000 - 75.000 đồng/kg, tùy khu vực. "Giá heo của CP bán ra luôn thấp hơn thị trường, nhưng các doanh nghiệp và thị trường không xuống theo. Do đó, CP phải cân nhắc, hạ giá hài hòa theo thị trường" - ông Thép nói.
Đồ họa: T.Đạt ( Nguồn: Tuổi trẻ). |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, một số doanh nghiệp như Dabaco cam kết hạ giá xuống 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp cam kết hạ giá nhưng giá vẫn cao hơn và không giảm. Theo ông Tiến, việc kiểm tra, soát giá là do cơ quan công thương và tài chính.
Về vấn đề này, ông Kiều Đình Thép cho biết CP chỉ bán cho đối tác. Sau đó đối tác có thể bán lại cho các kênh khác. Khi ra ngoài thị trường mà khan hiếm hàng thì giá lại nâng lên. Việc tiêu thụ qua nhiều khâu, nhiều công đoạn nên giá thịt heo có thể giữ ở mức cao và xuống chậm.
Ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay nhiều công ty chăn nuôi lớn như CP, Dabaco... khi heo xuất chuồng sẽ có công ty vệ tinh thu gom, sau đó đưa xuống các công ty khác, chuyển về các lò giết mổ, nên đẩy giá lên cao.
Nguồn cung không dồi dào
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, tổng đàn heo của cả thế giới hiện có khoảng 678 triệu con, giảm gần 12% so với năm 2019. Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch tả heo châu Phi, Trung Quốc, quốc gia có tổng đàn heo lớn nhất thế giới hiện chỉ còn 335 triệu con.
Theo Kinh tế và Đô thị, tổng đàn heo của nhóm các nước châu Âu và Hoa Kỳ cũng giảm còn lần lượt là 149 triệu và 77 triệu con. Trong khi đó tại Việt Nam, dịch tả heo châu Phi khiến tổng đàn thiệt hại khoảng 6 triệu con. Cả nước hiện còn khoảng 24 triệu con heo. Dù đến nay, 63/63 tỉnh, TP đang tích cực tái đàn, tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn heo cần từ 5 – 7 tháng. Sản phẩm của heo nuôi tái đàn hiện tăng chưa đáng kể.
Việc sụt giảm tổng đàn khiến cạnh tranh nhập khẩu thịt heo đang rất lớn. Hiện các DN Trung Quốc sẵn sàng trả giá thịt heo cao hơn 20 – 30% so với các nhà nhập khẩu khác (bao gồm cả các DN Việt Nam). Điều này khiến nguồn hàng thịt heo được đánh giá là không dồi dào.
Đáng chú ý, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận định, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể tác động lớn đến sản xuất, xuất nhập khẩu heo và các sản phẩm thịt heo. Không loại trừ khả năng một số nước sẽ tạm dừng nhập cảnh để ngăn chặn dịch COVID-19 nên hoạt động thương mại giữa các nước sẽ bị ngưng trệ.
Tiếp tục nhập khẩu thịt heo
Theo Bộ NN&PTNT, hiện công tác tái đàn heo đang tiến triển tích cực trên cả nước. Dự kiến trong năm 2020, nguồn cung thịt heo cho thị trường có thể đạt 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi).
Mặc dù vậy, để bảo đảm tiêu dùng của người dân trong bối cảnh giá thịt heo tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, từ đầu năm 2020 đến nay, các DN trong nước đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt heo và sản phẩm thịt heo, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng nhập khẩu chủ yếu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%. Dự kiến cuối tháng 3/2020, những lô hàng thịt lợn đầu tiên của Liên bang Nga cũng sẽ cập cảng Việt Nam.
Việc nhập khẩu thịt heo giúp bình ổn giá và đảm bảo được nguồn tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung thịt heo thế giới đang giảm, điều này đặt ra bài toán không dễ với Bộ NN&PTNT. |
"Thời gian tới, nếu giá heo không xuống mức hợp lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng thì sẽ phải tính mở thêm thị trường từ Canada, Nga, thậm chí là Campuchia, Lào" - ông Tiến nói.
Về giải pháp lâu dài, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ tuyên truyền người dân chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, chống đầu cơ, găm hàng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý kiểm soát chặt các khâu trung gian trong nước và thương mại biên giới khi giá heo hơi ở Trung Quốc ở mức 120.000 đồng/kg.
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt heo, Bộ NN&PTNT kiến nghị các tỉnh, TP tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn heo theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học. Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương để phối hợp tổ chức tái đàn, tăng đàn heo.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau Brazil, Đức, Australia, Mexico, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ đã cử các đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Lào, Campuchia và Hoa Kỳ để xúc tiến nhập khẩu heo sống và thịt heo từ các quốc gia này. “Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu…” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm.
Cùng với xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế hỗ trợ các DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo, bảo đảm không để thị trường bị thiếu thịt heo và người tiêu dùng phải mua thực phẩm này với giá cao.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp