09/08/2023 08:02
Giá bột, bún tăng theo giá gạo
Giá gạo tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến giá các loại bún, phở, bột tăng theo.
Theo đó tại các cửa hàng, giá các loại bột gạo tăng 3.000 đồng/kg lên mức 28.000 - 30.000 đồng đồng/kg. Giá bột tăng khiến giá các loại bún, phở, bánh hỏi, bánh canh tăng theo.
Cụ thể giá bún và bánh phở tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg. Giá bún thường ngày có giá 10.000 đồng/kg nay đã tăng lên 13.000-15.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp sản xuất bún tại TP Thủ Đức cho biết gạo 504 cũ dùng để sản xuất bún tăng từ mức giá 9.800 - 10.000 đồng/kg lên 15.500 - 16.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất thực phẩm bún, phở…
Gạo 504 có đặc điểm hạt gạo dài, trắng ngà, ít tấm. Nếu dùng để làm bánh, bột hoặc bún phải là loại gạo được chà từ lúa trữ 1 năm trở lên. Còn gạo 504 mới xay có đặc tính nở xốp và mềm cơm hơn nên không phù hợp để sản xuất. Nhưng hiện tại nguồn cung loại gạo này đang hạn chế.
Giá bún, phở tăng khiến những hàng quán bán đồ ăn sáng cũng tăng theo từ 2.000-5.000 đồng/tô. Cụ thể tô phở trước khia giá 30.000 đồng nay tăng lên 35.000 đồng/tô. Hay bún mọc, bún riêu tăng giá lên 25.000 đồng/tô.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp sản xuất bún thì ngoài giá gạo tăng, giá xăng tăng cũng là yếu tố tác động lên giá bún, phở.
Mới đây, Sở Công thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, trước diễn biến phức tạp của thị trường gạo thế giới hiện nay, để đảm bảo ổn định thị trường gạo trên địa bàn TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành đặc biệt quy định về cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đối với mặt hàng gạo.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm quy chế đồng thời chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ đảm bảo nguồn hàng cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng an toàn và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.
Thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, duy trì lượng hàng dự trữ bình ổn thị trường đầy đủ để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường phải niêm yết giá và bán đúng giá quy định.
Các hệ thống phân phối hiện đại phải dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua, dự trữ và kịp thời cung ứng mặt hàng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống. Phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp