Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

G7 áp dụng chiến lược mới đối phó với Trung Quốc

Phân tích

23/05/2023 11:35

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 đã tỏ rõ lập trường của mình với Bắc Kinh về các vấn đề bao gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đài Loan.
news

Lập trường về các vấn đề này được thể hiện không chỉ trong một mà là hai tuyên bố, theo BBC. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất trong thông điệp của họ tập trung vào điều mà họ gọi là "cưỡng ép kinh tế". 

Đó là một hành động cân bằng khó cho G7. Thông qua thương mại, nền kinh tế của họ đã trở nên phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh với Bắc Kinh đã tăng lên và G7 không đồng ý về nhiều vấn đề bao gồm cả nhân quyền. Vì vậy, giờ đây, G7 lo ngại rằng bản thân đang bị ở thế phải làm con tin.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức và giới chuyên gia cho biết lãnh đạo nhóm 7 nền dân chủ thịnh vượng hồi cuối tuần qua cũng đã cam kết sẽ "giảm thiểu rủi ro" từ Trung Quốc mà không cần phải "tách rời" khỏi nước này, một cách tiếp cận phản ánh những quan ngại của châu Âu và Nhật Bản về việc gây áp lực quá mạnh lên Bắc Kinh.

G7 áp dụng chiến lược mới đối phó với Trung Quốc - Ảnh 1.

Truyền thông Trung Quốc đã gọi G7 là "hội thảo chống Trung Quốc".

"Thách thức lớn nhất trong thời đại"

BBC cho biết sau khi các nhà lãnh đạo G7 gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga bằng cách mời Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Hiroshima, một đối thủ khác cũng xuất hiện trong tâm trí họ, đó là Trung Quốc. 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak được BBC dẫn lời nhấn mạnh rằng Trung Quốc là "thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta" liên quan đến an ninh và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời Trung Quốc "ngày càng độc đoán ở trong và ngoài nước".

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các quốc gia khiến họ không hài lòng, trong đó có Hàn Quốc, sau khi Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Australia trong giai đoạn quan hệ lạnh nhạt gần đây.

Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt lo ngại khi Trung Quốc chặn xuất khẩu của Litva sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép Đài Loan thành lập một đại sứ quán trên thực tế ở đó.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi G7 lên án điều mà họ coi là "sự gia tăng đáng lo ngại" của "việc vũ khí hóa các điểm yếu kinh tế". Họ nói rằng sự áp bức này của Trung Quốc là nhằm tìm cách "làm suy yếu các chính sách đối nội và đối ngoại cũng như vị thế của các thành viên G7 và các đối tác trên toàn thế giới".

Những bất đồng trong nội bộ G7

Trước đó, những khác biệt giữa các thành viên G7 đã nổi lên ngay trong giai đoạn chuẩn bị cho thượng đỉnh Hiroshima, trong đó Mỹ kêu gọi tập trung vào việc kiểm soát đầu tư sang Trung Quốc. 

Đức, Pháp và Nhật Bản thì thận trọng hơn trước những tác động tiềm tàng đối với các nền kinh tế của họ. Nguy cơ chia rẽ càng trở nên sâu sắc hơn sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước đã đến Bắc Kinh và kêu gọi EU giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

Tuy nhiên, ngôn ngữ trong bản thông cáo của G7 đã được điều hòa bởi chủ nghĩa thực dụng, theo đó các lãnh đạo lưu ý rằng họ không tìm cách "cản trở sự tiến triển và phát triển" của Trung Quốc, và rằng mỗi quốc gia đều sẽ hành động vì lợi ích quốc gia của mình.

G7 áp dụng chiến lược mới đối phó với Trung Quốc - Ảnh 2.

Quan điểm về Trung Quốc trong nội bộ G7 cũng không thống nhất.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên nói với Reuters: "Có những bất đồng giữa các nước G7 về một số vấn đề như là các hạn chế đầu tư của Mỹ đối với Trung Quốc". Tuy nhiên, quan chức này nói thêm rằng hội nghị vẫn có khả năng gửi đi một thông điệp vượt lên trên những bất đồng này.

Một quan chức làm việc trong Phủ tổng thống Pháp cho biết: "Thông điệp trung tâm mà chúng tôi muốn gửi đến tại hội nghị G7 lần này là lập trường của châu Âu coi Trung Quốc vừa là một đối tác bổ sung cho chúng tôi, vừa là một đối thủ có hệ thống, tất cả những điều này đều được thể hiện trong thông cáo của G7".

Chiến lược vừa giữ quan hệ, vừa ngăn chặn Trung Quốc

Theo BBC, G7 đã kêu gọi "giảm thiểu rủi ro", một chính sách mà bà Ursula von der Leyen, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh, ủng hộ. Đây là một phiên bản ôn hòa hơn của ý tưởng "tách rời" khỏi Trung Quốc của Mỹ, theo đó họ sẽ cứng rắn hơn trong ngoại giao, đa dạng hóa các nguồn thương mại và bảo vệ thương mại và công nghệ. 

Họ cũng đã đưa ra một "khuôn khổ hợp tác" để chống lại sự áp bức và làm việc với các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù vẫn còn mơ hồ về cách thức hoạt động chính xác của điều này, nhưng chúng ta có thể thấy các quốc gia giúp đỡ lẫn nhau bằng cách tăng cường thương mại hoặc cấp vốn nhằm giải quyết bất kỳ sự phong tỏa nào do Trung Quốc gây ra.

G7 cũng có kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng cho các hàng hóa quan trọng như khoáng sản và chất bán dẫn, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ngăn chặn hành vi đánh cắp công nghệ.

Nhưng "cây gậy" lớn nhất mà họ dự định sử dụng là kiểm soát xuất khẩu đa phương. Điều này có nghĩa là họ làm việc cùng nhau để đảm bảo công nghệ của họ, đặc biệt là những công nghệ được sử dụng trong quân đội và tình báo, không rơi vào tay "những kẻ xấu".

Mỹ đã làm điều này với lệnh cấm xuất khẩu chip và công nghệ chip sang Trung Quốc, bước đi mà Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia. G7 đang làm rõ những nỗ lực như vậy sẽ không chỉ tiếp tục mà còn tăng lên, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. 

Họ cũng cho biết họ sẽ tiếp tục siết chặt "việc chuyển giao không phù hợp" công nghệ được chia sẻ thông qua các hoạt động nghiên cứu. Mỹ và nhiều quốc gia khác lo ngại về gián điệp công nghiệp và đã bỏ tù những người bị cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ cho Trung Quốc.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 đã nói rõ rằng họ không muốn cắt đứt sợi dây liên kết. Phần lớn ngôn ngữ của họ về cưỡng ép kinh tế không nêu tên Trung Quốc, trong một nỗ lực ngoại giao rõ ràng để không trực tiếp chỉ mặt Bắc Kinh. Khi nói về Trung Quốc, G7 giữ vững lập trường của mình theo một cách nhẹ nhàng. 

Họ tìm cách xoa dịu Bắc Kinh, nói rằng các chính sách của họ "không nhằm gây hại cho Trung Quốc và chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc, không tách rời hoặc hướng nội". 

Nhưng họ cũng gây áp lực buộc Trung Quốc phải hợp tác, nói rằng "một Trung Quốc đang phát triển tuân thủ các quy tắc quốc tế sẽ có lợi cho toàn cầu". Họ cũng kêu gọi sự tham gia "thẳng thắn", theo đó họ vẫn có thể trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Trung Quốc và tỏ ý sẵn sàng giữ các đường dây liên lạc mở trong bầu không khí đang căng thẳng.

G7 áp dụng chiến lược mới đối phó với Trung Quốc - Ảnh 3.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 phản ánh sự đồng tình của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản về tình hình Trung Quốc-Đài Loan. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, G7 cũng có xu hướng sử dụng giọng điệu tránh đẩy khu vực Nam Bán cầu ra xa bởi các quốc gia không liên kết này, chẳng hạn như Ấn Độ, đang được G7 nỗ lực lôi kéo. Chuyên gia Mikko Huotari của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator được Reuters dẫn lời nhận xét: "Đây là một nỗ lực tích cực của G7 nhằm không tạo cho Trung Quốc cái cớ để phàn nàn, cũng như không đẩy các nước ở Nam Bán cầu ra xa và vẫn duy trì sự cân bằng trong G7. Đây là cách tiếp cận đúng đắn".

Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc tại Viện Macdonald Laurier, một hãng tư vấn về chính sách công, nhận định "cách tiếp cận giảm thiểu rủi ro là cách dễ nhất để G7 đạt được một số đồng thuận trong tương lai đối với Trung Quốc. 

Sự thay đổi ngôn ngữ cho thấy các đồng minh của Mỹ hiểu những rủi ro của sự hợp tác kinh tế sâu sắc với Trung Quốc nhưng cũng nhận ra rằng việc cắt đứt hoàn toàn các ràng buộc kinh tế là một biện pháp phi thực tế".

Đồng quan điểm, Kunihiko Miyake, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, cho rằng "họ không muốn tách rời vì điều đó rất khó khăn, rất nhiều rắc rối, và không khả thi".

Về phía Trung Quốc, Reuters cho biết Bắc Kinh đã phản ứng với tuyên bố của G7 và triệu đại sứ Nhật Bản đến để phản đối. "Thời báo Hoàn Cầu", cơ quan ngôn luận được nhà nước hậu thuẫn, ngày 22/5 đã gọi G7 là "hội thảo chống Trung Quốc".

Trước đó ngày 21/5, Trung Quốc cho biết họ sẽ chặn công ty Mỹ Micron Technology Inc bán chip bộ nhớ cho các ngành công nghiệp then chốt trong nước, một dấu hiệu tiềm tàng của sự gia tăng căng thẳng.

(Nguồn: TTXVN/Reuters/BBC)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement