Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Được nới thêm room tín dụng, ngân hàng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh

Ngân hàng

22/12/2022 19:04

Nhiều ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng đã ngay lập tức triển khai các kế hoạch tập trung vốn phân bổ vào các lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.
news

Động thái điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho toàn hệ thống được đánh giá là kịp thời và phù hợp, nhất là trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang "khát vốn" cho sản xuất, kinh doanh để tăng tốc về đích cuối năm. Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%.

Nhiều ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng đã ngay lập tức triển khai các kế hoạch tập trung vốn phân bổ vào các lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.

Được nới thêm room tín dụng, ngân hàng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 - 2%, ước tính sẽ có khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được đưa ra thị trường trong 3 tuần cuối năm, tạo dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, khách hàng và cả nền kinh tế.

Là một trong những ngân hàng được duyệt cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) trong đợt cuối năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã chủ trương sử dụng toàn bộ hạn mức này để cho vay sản xuất kinh doanh và triển khai gói cho vay ưu đãi với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng ABBank cho biết: "ABBank đã triển khai ngay gói cho vay ưu đãi quy mô 350 tỷ đồng dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân; trong đó, 200 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 150 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp".

Cập nhật đến thời điểm hiện tại, ABBank đã dùng 130 tỷ đồng để điều chỉnh ngay lãi suất cho vay xuống mức 5,5%/năm cho khách hàng cá nhân hiện hữu đáp ứng được các điều kiện cho vay như lịch sử tín dụng tốt và nhất là khách hàng trong các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu hay công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao...

Đồng thời, bà Hương cho biết ABBank đã dùng 80 tỷ đồng để áp dụng lãi suất ưu đãi 5,5%/năm cho nhóm khách hàng cá nhân sẽ thực hiện giải ngân mới, đáp ứng được các tiêu chí về lịch sử quan hệ tín dụng tốt và thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, theo TTXVN.

"Còn đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ABBank đã triển khai gói vay ưu đãi và truyền thông đến cả hệ thống, xây dựng xong mã sản phẩm trên hệ thống để sẵn sàng phục vụ khách hàng", Phó Tổng Giám đốc ABBank nói thêm.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phó Tổng Giám đốc Trần Long cũng khẳng định với room tín dụng được nới thêm trong đợt cuối năm, BIDV hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lĩnh vực thiết yếu như xăng dầu...

Dù việc nới room tín dụng được NHNN quán triệt là tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, thực hiện nghiêm quản trị rủi ro đối với các ngành như bất động sản nhưng vẫn có một phần vốn được dành cho lĩnh vực này.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự trầm lắng của thị trường bất động sản, ngay sau khi NHNN nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, sắp bàn giao đến khách hàng.

"Do đó, việc ban hành quyết định giảm lãi suất, đặc biệt là vay mua bất động sản ở thời điểm này của OCB cũng được kỳ vọng như một trong những "nút gỡ" thực tế giúp cho các khách hàng có nhu cầu mua nhà, đất thực hiện được kế hoạch của mình, từ đó thị trường bất động sản cũng sẽ "ấm" lên trong giai đoạn cuối năm", lãnh đạo OCB chia sẻ.

Một số doanh nghiệp cho biết đã bắt đầu được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được vốn tín dụng dịp cuối năm, dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay ổn định lâu dài.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) thông tin, các khoản vay tại Vietcombank đã được tự động giảm 1 điểm % so với trước mà doanh nghiệp không phải thực hiện bất cứ thủ tục gì. "Chúng tôi khá ngạc nhiên vì không nhận được thông báo chính thức mà chỉ phát hiện khi đến kỳ thanh toán, số lãi phải đóng ít hơn. Điều này hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm", ông Thiện nói, theo Vnbusiness.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho hay, khi hạn mức tín dụng được nới, công ty đã được giải ngân nhưng mới chỉ đáp ứng chưa đến 15% nhu cầu. Dù vậy, khoản vay đã hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể dự chi thưởng Tết cho nhân viên. "Chúng tôi kỳ vọng sang năm 2023, dòng vốn được khơi thông trở lại để doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản đầu tư ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu", ông Tùng bày tỏ.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp ngành thủy sản cho rằng, dù room tín dụng đã mở, việc vay vốn vẫn rất khó khăn do quy định cho vay chặt chẽ. Vì vậy, vị giám đốc này kiến nghị năm 2023, các ngân hàng nới lỏng quy định để doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản vay.

Trước những kiến nghị này, đại diện lãnh đạo TPBank cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận gói ưu đãi, ngân hàng sẽ hỗ trợ tư vấn, linh động thủ tục, hồ sơ theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian.

"Chúng tôi hy vọng gói vay lãi suất này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu có thêm điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng sẽ là động lực để doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu kinh doanh năm 2022, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", đại diện TPBank chia sẻ.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao do tính mùa vụ, nhưng thống kê cho thấy, mức tăng trưởng cho vay thường chỉ từ 2 - 2,2%, trong khi dư địa cho vay còn lại lên tới 3,5 - 4%, tức là lượng vốn mà các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế khá dồi dào.

"Các ngân hàng thương mại cũng "đốt đuốc" đi tìm doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp tốt thì không chỉ một, mà nhiều ngân hàng muốn cấp hạn mức tín dụng. Vốn tín dụng là không hề thiếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế này, trong vòng 3 tuần, chúng ta có room tín dụng 3,5 - 4% thì cực kỳ nhiều", TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ