09/12/2022 13:51
Còn khoảng 3,8% room tín dụng từ nay cho đến cuối năm
NHNN muốn hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức nới room tín dụng thêm 1,5-2% tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Tính đến hiện tại, còn khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian cuối năm và qua Tết Nguyên đán Quý Mão.
Theo nguồn tin trên, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 14%. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng là 12,2% nên room vẫn còn 1,8% và nếu cộng với gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian cuối năm và qua Tết âm lịch Nguyên đán.
NHNN muốn hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.
Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi việc hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng. Cơ quan này cũng sẵn sàng tạo điều kiện về các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại để những ngân hàng này có nguồn cung ứng vốn một cách ổn định, đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đang kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trên tinh thần chung là tiếp tục sẻ chia với doanh nghiệp.
Tính đến ngày 29/11 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,10%. Cập nhật số liệu NHNN tín dụng theo ngành kinh tế tạm tính đến cuối tháng 10-2022, dư nợ ngành nông-lâm- thủy sản, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, lần lượt tăng 7,9%, 7,93%, 13,63% so với cuối năm 2021, tương ứng chiếm 7,64%, 26,57% và 65,79% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đến cuối tháng 10-2022 tăng trưởng tốt, có lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,93%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,88%, chiếm 18,5%. Tín dụng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức tăng trưởng lần lượt là 12,99% và 5,86%.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam nhận định, việc nới room tín dụng từ 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua là phù hợp với thực tế, do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cuối năm tăng mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng được khả năng thanh khoản cũng như khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nới room cào bằng mà sẽ chỉ ưu tiên các tổ chức tín dụng đáp ứng 3 yếu tố.
Thứ nhất, phải đủ nguồn lực vốn. Thứ hai, phải giữ ổn định được lãi suất để cho vay ra với lãi suất hợp lý. Thứ ba, tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.
Liên quan tới lo ngại dòng vốn được bơm tới đây sẽ chảy vào lĩnh vực rủi ro, ông Hùng cho rằng, điều này rất khó xảy ra. Bởi, đây là một trong những trọng tâm mà NHNN sẽ xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp quyền room tín dụng.
"Tôi cho rằng, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro từ nay đến cuối năm khó có thể xảy ra. Ngoài sự giám sát của NHNN, bản thân các ngân hàng thương mại và hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ", ông Hùng khẳng định.
Mặc dù room tín dụng được nới, song theo ông Hùng, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn, sút giảm đơn hàng do kinh tế thế giới suy thoái, theo Dân Việt.
"Các doanh nghiệp trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại. Trong giai đoạn này, theo tôi, doanh nghiệp cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư.
Với ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống", ông Hùng khuyến nghị.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp