11/05/2022 16:16
Đức đang gửi vũ khí gì cho Ukraina?
Đức đã cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Ukraina, trong khi các hệ thống hạng nặng như xe tăng và pháo đang được nước này xem xét. Nếu được thông qua, thì những vũ khí nào sẽ được Đức chuyển đến Ukraina?
Xe tăng Gepard
Gepard (tiếng Đức có nghĩa là "con báo") là một loại vũ khí phòng không có hai khẩu pháo 35 mm. Nó có thể được sử dụng để chống lại máy bay phản lực và trực thăng ở độ cao lên tối đa 3.500 mét; ở mặt đất, loại vũ khí này dùng để chống lại các mục tiêu được bọc thép nhẹ như xe bộ binh và xe tăng vận tải.
Điều này có nghĩa là, Gepard có thể được sử dụng như một vũ khí phòng thủ lẫn tấn công. Tuy nhiên, Gepard sẽ không thể chống lại xe tăng chiến đấu vì kích cỡ nòng tương đối nhỏ. Gepard có tầm hoạt động khoảng 550 km trên đường trường và có thể vượt qua các vùng nước nông mà không cần thiết bị hỗ trợ đặc biệt.
Điều đó khiến nó trở nên phù hợp cho một nhiệm vụ chống lại các máy bay trực thăng chiến đấu bọc thép như Mil Mi-24 "Hind", loại trực thăng được phát triển từ thời Liên Xô còn tồn tại.
Gepard được ra mắt vào năm 1976 và từ lâu đã trở thành nền tảng của hệ thống phòng không của quân đội Đức, Hà Lan và Bỉ.
Tuy nhiên, Hà Lan và Bỉ đã loại biên Gepard từ cách đây khoảng 20 năm và chiếc Gepard cuối cùng đã ngừng hoạt động ở Đức vào năm 2012. Romania là quốc gia NATO duy nhất vẫn sử dụng Gepard.
Ukraina ban đầu được hứa cung cấp 50 chiếc Gepard tuy nhiên đến nay Đức vẫn chưa cung cấp đủ vì thiếu đạn.
Lựu pháo 2000
Đây là loại pháo tự hành bọc thép cỡ nòng 155 mm, có thể bắn 60 viên đạn với tốc độ 3 phát sau mỗi 10 giây. Mục tiêu có thể bị tiêu diệt ở khoảng cách từ 30 đến 56 km, tùy thuộc vào loại đạn. Các công ty Krauss-Maffei Wegmann và Rheinmetall đã cung cấp lựu pháo 2000 cho quân đội Đức vào năm 1998 và tiếp tục sản xuất những phiên bản tiên tiến hơn.
Không giống như xe tăng chiến đấu Leopard, lựu pháo tự hành 2000 phải tạm dừng để nạp đạn và điều này khiến nó ít cơ động hơn so với xe tăng trong cuộc đối đầu trực diện. Tuy nhiên, nó có thể ngụy trang nhanh và khéo léo để tránh bị bắn trả.
Lựu pháo 2000 có thể di chuyển với tốc độ lên tới 60 km/h, phạm vi hoạt động khoảng 420 km và có thể vượt qua vùng nước ở độ sâu khoảng 1,5 mét.
Nó được thiết kế phù hợp với các đội hình cơ giới và hỗ trợ hỏa lực cho đội hình này.
Lựu pháo 2000 đã được sử dụng thành công trong các nhiệm vụ ở Afghanistan vào năm 2006 và 2007 cùng với sự hỗ trợ từ trên không. Các mục tiêu có thể bị lựu pháo này tiêu diệt trong phạm vi hơn 40 km.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht, quân đội Đức có khoảng 100 lựu pháo trong kho, trong đó có khoảng 40 chiếc đang hoạt động. Thủ tướng Olaf Scholz hiện đã hứa với Ukraina sẽ chuyển giao 7 lựu pháo cho nước này. Tuy nhiên, dự kiến sẽ đến mùa Hè này thì việc chuyển giao mới diễn ra.
Xe chiến đấu bộ binh Marder
Xe chiến đấu bộ binh Marder có thể dùng để vận chuyển binh lính, hỗ trợ hỏa lực và yểm trợ để bộ binh khai hỏa và điều đó khiến nó trở thành một hệ thống vũ khí đặc biệt linh hoạt.
Marder có đủ chỗ cho sáu hoặc bảy xạ thủ, được trang bị một súng máy 20 mm và tên lửa dẫn đường Milan chống lại các mục tiêu trên mặt đất và trên không.
Xe cũng có hệ thống thông gió bảo vệ chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và có thể vượt qua vùng nước sâu tới 2m nhờ hệ thống thủy lực chìm.
Được đưa vào hoạt động từ năm 1971, Marder đang được quân đội Đức thay thế dần bằng xe Puma. Trong khi chờ đợi sự thay thế, Marder vẫn đang phục vụ trong quân đội Đức và một số quốc gia khác, và nó đã chứng minh tính hữu dụng của mình tại Kosovo và Afghanistan.
Xe tăng chiến đấu Leopard 2
Leopard 2 là sản phẩm nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất vũ khí của Đức. Xe tăng chiến đấu được sản xuất từ năm 1978 và đã được cải tiến nhiều lần kể từ đó, và quân đội Đức không có kế hoạch thay thế nó cho đến năm 2030.
Do thành công lớn về mặt xuất khẩu, xe tăng do Krauss-Maffei Wegmann chế tạo, có nhiều phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản đều được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu cụ thể của các nước mua. Ngoài ra, nó còn được cấp phép để sản xuất ở nước ngoài. Xe tăng tiền nhiệm, Leopard 1, cũng đã được bán cho nhiều nước và vẫn được sử dụng bởi nhiều đội quân trên khắp thế giới.
Mục đích của Leopard 2 là để phòng thủ trước đội hình xe tăng của đối phương. Pháo 120 mm của nó có thể được sử dụng để tấn công cả mục tiêu đứng yên và di chuyển, đồng thời có thể khóa mục tiêu ngay cả khi lái xe trên địa hình gồ ghề.
Leopard có thể vượt qua vùng nước sâu tới 4 mét với các thiết bị bổ sung. Khả năng bảo vệ NBC của nó (chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học) được thiết kế để kéo dài đến 48 giờ.
Cỗ xe tăng 1.500 mã lực này có thể đạt tốc độ hơn 60 km/h, có trọng lượng hơn 60 tấn và đây là vấn đề nan giải đối với các cây cầu.
Theo các binh sĩ Canada và Đan Mạch, Leopard đã chứng tỏ được giá trị của mình trong các hoạt động ở Afghanistan, chủ yếu nhờ khả năng bảo vệ cao trước các cuộc tấn công. Nó cũng đã được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở miền bắc Syria - một hoạt động gây tranh cãi về mặt chính trị.
Chính phủ Đức vẫn chưa hứa hẹn với Ukraina về xe tăng Marder hay Leopard, mặc dù Andrij Melnyk, đại sứ Ukraine tại Berlin, đang kêu gọi Đức hỗ trợ 88 xe tăng Leopard, 100 xe tăng Marder, pháo tự hành và một số loại vũ khí khác.
Tên lửa vác vai Stinger
Stinger là một hệ phóng tên lửa đất đối không dẫn đường bằng tia hồng ngoại, được Raytheon sản xuất ở Mỹ vào năm 1980 và nay nó đã được sản xuất ở châu Âu, bao gồm cả ở Đức. Sau khi bắt được mục tiêu, thường là máy bay phản lực chiến đấu hoặc máy bay trực thăng, các xạ thủ sẽ khai hỏa và tên lửa sẽ tự động theo dõi mục tiêu trong phạm vi khoảng 4.000 mét. Đầu đạn phát nổ với thời gian trễ hơn một chút sau khi va chạm, thường là trên bình nhiên liệu để làm tăng hiệu ứng.
Stinger đã được chứng minh là một loại vũ khí cực kỳ hiệu quả và dễ sử dụng, đáng chú ý nhất là trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, hàng loạt máy bay Liên Xô bị binh lính nước này bắn hạ bằng loại tên lửa này.
Ngoài Mỹ, Hà Lan và Latvia, Đức đã cung cấp cho Ukraina 500 tên lửa Stinger từ kho dự trữ của mình kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Vũ khí chống tăng cá nhân Panzerfaust/Bunkerfaust
Quân đội Đức và lực lượng vũ trang của một số quốc gia đã sử dụng Panzerfaust 3, loại vũ khí do Dynamit Nobel ở Đức sản xuất từ năm 1992 cho mục đích chống tăng. Nó được bắn từ vai nhằm vào các mục tiêu đứng yên cách xa đến 400 mét và mục tiêu di chuyển là 300 mét. Nó có thể xuyên qua lớp thép dày tới 300 mm, có thể phá hầm trú ẩn bê tông cốt thép 240 mm.
Theo chính phủ Đức, Đức đã cung cấp cho Ukraina vài nghìn vũ khí như vậy trong thời kỳ đầu của cuộc tranh.
Nhiều loại vũ khí chiến đấu khác
Tính đến cuối tháng 4, Đức cũng đã gửi cho Ukraina 100 khẩu súng máy, 100.000 quả lựu đạn, 2.000 quả mìn, khoảng 5.300 quả bộc phá và hơn 16 triệu viên đạn với nhiều cỡ nòng khác nhau, từ súng trường tấn công đến súng máy hạng nặng. Thông tin này đến từ chính phủ Ukraina. Không giống như các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, chính phủ Đức không tiết lộ nước này đang cung cấp loại vũ khí nhỏ hơn nào cho Ukraina.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement