Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp vận tải trong thế tiến thoái lưỡng nan

Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa phải tìm mọi cách để vừa hoạt động cầm cự, vừa theo dõi biến động nhằm đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời...

Từ 15h00 ngày 1/6, xăng E5RON92 tăng 602 đồng/lít, giá bán lẻ mới tối đa là 30.235đồng/lít; xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít, giá bán mới 31.578 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp của giá xăng kể từ giữa tháng 4/2022 và là lần tăng giá thứ 11 kể từ đầu năm, đưa giá xăng trong nước lên kỷ lục mới. Với các doanh nghiệp vận tải, bài toán cân đối dòng tiền để duy trì hoạt động trở nên khó giải hơn bao giờ hết khi chưa kịp hồi phục sau dịch Covid-19, lượng hành khách vẫn còn hạn chế mà chi phí nhiên liệu lại lên quá cao.

Hoạt động cầm chừng nhưng vẫn lỗ

Bình thường như mọi năm, thời điểm tháng 5, 6, hoạt động vận tải hành khách tại bến xe phía Nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế hoạt động rầm rộ, khách ra vào nườm nượp, đặc biệt là tuyến đi các tỉnh phía Nam. Hiện nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, mọi sinh hoạt xã hội được “bình thường mới” nhưng lại xảy ra tình trạng nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh thu không đủ bù chi. Theo Công ty Cổ phần Bến xe Huế, bên cạnh việc ít khách đi xe thì giá xăng dầu tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhà xe.

Ông Trương Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phương, tuyến xe khách Huế - TP.HCM, cho rằng giá xăng dầu tăng cao, chi phí thay thế trang thiết bị xe tăng hơn 30% so với trước cùng với việc các loại phí, thuế, lương cho tài xế, phụ xe tăng… làm cho doanh nghiệp vận tải hành khách đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn.

“Trước đây, tuyến Huế - TP.HCM của chúng tôi có 20 đầu xe, hiện chỉ hoạt động 8 - 9 xe, đồng thời phải bán bớt xe để trả lãi vay ngân hàng. Hành khách đi xe ít, chúng tôi phải chở thêm hàng hóa để lấy thu bù chi nhưng nhiều chuyến vẫn bị lỗ”, ông Trương Văn Nghĩa chia sẻ.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - chủ sở hữu nhà xe Sao Việt, thừa nhận doanh nghiệp vận tải đang rơi vào tình cảnh éo le, không hoạt động thì nguy cơ vỡ nợ mà chạy thì cầm chắc lỗ. “Hiện tại, số lượng xe của công ty chỉ hoạt động ở mức 30%. Nhiều chuyến xe do quá vắng khách đã phải cắt để dồn khách. Doanh nghiệp câu kéo đủ kiểu để mong hòa vốn nhưng nếu giá xăng dầu cứ tăng thêm thì không biết sẽ như thế nào”, ông Bằng nói. “Doanh nghiệp vận tải hành khách nào cũng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, tăng giá sợ sẽ mất khách, nhưng không tăng giá thì phải oằn mình gánh các chi phí”.

Doanh nghiệp vận tải trong thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh 2.

Mỗi phương tiện trước đây chi phí nhiên liệu chỉ bằng một nửa so với hiện nay.

Xăng dầu là máu huyết của ngành vận tải nên giá xăng tăng cao chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Theo ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty Vinasun, hiện doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn, đó là hạn chế kinh doanh hoặc tăng giá cước. Tuy nhiên, việc tăng giá cước sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và tạo hệ lụy liên hoàn đến các lĩnh vực khác. “Hiện tại, Vinasun chưa tăng cước phí và đang còng lưng gánh các loại chi phí. Ngoài ra, để tài xế yên tâm làm việc, chúng tôi còn hỗ trợ tiền xăng tùy theo loại xe, có thể hỗ trợ 1%, 2%, 3% thậm chí 3,5% doanh thu”, ông Hỷ nói.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Hà Ngọc Dũng, đại diện Công ty Cổ phần Thông quan Việt Đức, doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ logistics ở Đồng Nai và vùng lân cận, cũng nhận định công việc kinh doanh đang gặp khó khăn.

Theo ông Dũng, công việc của doanh nghiệp vẫn nhiều nhưng lợi nhuận thì ít, thậm chí là âm, bởi mỗi phương tiện trước đây chi phí nhiên liệu chỉ bằng một nửa so với hiện nay. Trong khi đó, so với trước, giá cước vận tải thu của khách hàng không thay đổi nhiều. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình thăm dò, chưa dám tăng giá cước, chấp nhận doanh thu sụt giảm để cạnh tranh, tính chuyện đường dài”, ông Dũng nói.

Tìm kiếm một giải pháp khả thi

Theo giới chuyên gia, giá dầu thế giới vẫn còn tiếp tục biến động phức tạp, các kỳ điều hành tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá rất lớn. Trong bối cảnh Quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá xăng dầu là giảm thuế, phí.

PGS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến ngày 21/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 13 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Sau chu kỳ 13 lần tăng, giảm giá, giá xăng RON 95 tăng hơn 7.662 đồng/lít.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu tác động đến đời sống người dân lẫn nhà kinh doanh thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể cân đối giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường.

“Thị trường dầu thế giới không còn là vấn đề giữa cung - cầu, mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị. Vì vậy, tôi cho rằng nên đặt ra các kịch bản, kế hoạch kèm theo các giải pháp để chuẩn bị sẵn các thủ tục về mặt hành chính”, ông Bảo nói.

Câu chuyện về giá xăng dầu cũng được mang ra bàn thảo nhiều tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Về dư địa để kìm đà tăng giá xăng dầu trong nước, trao đổi với phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 31/5, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Thành phố Hà Nội) đề cập đến công cụ thuế. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường vẫn còn dư địa khi mới giảm 50%.

“Giảm các loại thuế trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng chúng ta phải chấp nhận để bình ổn giá xăng dầu, mang lại ý nghĩa cao hơn trong ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế. Có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng cần xem xét, cân nhắc kỹ vì loại thuế này liên quan tới điều tiết hành vi sử dụng các loại hàng hóa của người tiêu dùng”, ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Doanh nghiệp vận tải trong thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh 4.

Bên cạnh việc ít khách đi xe thì giá xăng dầu tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhà xe.

Bên cạnh điều hành về giá, ông Hoàng Văn Cường cho rằng việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cũng rất quan trọng để tránh bị biến động một cách “gấp khúc”. Theo đại biểu này, trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện nay, Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác, các nhà máy lọc hóa dầu cần hoạt động hết công suất để chủ động nguồn cung, không quá phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Cùng với việc dự trữ bắt buộc, dự trữ quốc gia như hiện nay, cần tiến tới dự trữ xăng dầu với khối lượng nhiều hơn để phòng ngừa các rủi ro về giá.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải tính toán nhiều đến các vấn đề liên quan như điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh đồng hồ tính cước, in lại vé xe… “Vậy nên, việc tăng giá cước phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng”, ông Quyền nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cần cơ cấu lại hoạt động, tăng cường liên kết chặt chẽ trong các hiệp hội vận tải để tạo lập mặt bằng giá cước phù hợp; tăng tỷ lệ hàng hóa vận tải hai chiều; nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số giúp liên thông hệ thống điều phối logistics, hạn chế giao nhận hàng hóa rải rác làm tăng chi phí.

TUỆ MỸ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement