02/11/2023 08:02
Doanh nghiệp niêm yết: Chông chênh con đường phía trước
Lợi nhuận quý III của không ít doanh nghiệp công bố ra khiến nhà đầu tư choáng váng vì cách xa so với dự phóng của các công ty chứng khoán. Nhưng vấn đề được quan tâm hơn là bức tranh quý IV và xa hơn của doanh nghiệp.
Khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và thực tế
Một nhóm nhà đầu tư mua gần 200.000 cổ phiếu DCM của Công ty cổ phần Phân bón Cà Mau đã cắt lỗ 10% khi báo cáo quý III/2023 của Công ty công bố lãi ròng đạt 74 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu đạt 3.151 tỷ đồng, chỉ giảm 8,9%.
Con số lợi nhuận chỉ bằng 1/5 so với dự phóng của Công ty Chứng khoán BSC đưa ra trước đó đã gây thất vọng cho nhà đầu tư. Song quan trọng hơn, nó còn hé lộ một thông điệp đáng ngại, giá phân bón thế giới trong quý II, quý III tăng mạnh nhưng tại Việt Nam, giá bán không tăng, tồn kho nhiều và các công ty phải cạnh tranh quyết liệt để giữ thị phần, khiến cho biên lợi nhuận mỏng. Sản lượng tiêu thụ trong nước khá bấp bênh.
Số liệu của Phân bón Cà Mau cho thấy, trong tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ urea đạt 131.950 tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 57.910 tấn, xuất khẩu đạt 74.040 tấn. Tháng 9, Công ty rất nỗ lực cũng chỉ tiêu thụ được gần 60.000 tấn. Tương tự, với NPK, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ dao động quanh 11.000 - 15.000 tấn.
Ngành bất động sản công nghiệp, ngỡ rằng đang ở thế thượng phong nhưng thực tế cũng khó “màu hồng”. Không mặn mà nói về kết quả kinh doanh quý III/2023, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cho biết, nhà đầu tư khó khăn nên họ chưa ký nhận bàn giao mặt bằng khu công nghiệp, doanh nghiệp vì thế không kết chuyển lợi nhuận và doanh số được theo kế hoạch. Nhà đầu tư hứa qua quý IV, nhưng quý IV ra sao vẫn là câu hỏi ngỏ, “tiền trong túi mới là tiền thật”.
Xuất khẩu thận trọng
Đến cuối tuần qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI (mã IDI) chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 và theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị IDI thì “doanh nghiệp phải rất nỗ lực mới gần tương đương quý II” (1.826 tỷ đồng doanh thu, 28,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - PV).
Nhìn rộng hơn về bức tranh nền kinh tế, ông Thuấn nhận xét, “còn rất bất ổn”.
Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tuy xuất khẩu thủy sản tháng 8, tháng 9 hé ra tia sáng tích cực khi tỷ lệ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng nhưng năm nay, doanh nghiệp thủy sản nào tích cực mới đạt được khoảng 80 - 85% doanh thu năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, mức tiêu thụ của ngành cá tra chỉ đạt khoảng 2/3 cùng kỳ năm ngoái.
Quý IV là giai đoạn cao điểm giao hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng theo Chủ tịch IDI, đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và giá cả chưa cải thiện. Tại các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam, lạm phát chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, đồng tiền các nước mất giá nên cầu tiêu dùng thấp. Người nuôi giảm mạnh về sản lượng nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh nghiệp chế biến, bởi nhu cầu không cao và doanh nghiệp còn nguyên liệu dự trữ trong kho.
Trong lĩnh vực dệt may, những doanh nghiệp hàng đầu cũng phải giải quyết bài toán về biên lợi nhuận. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, 9 tháng, Tập đoàn dự kiến doanh thu đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch cả năm.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khó khăn kéo dài do bị tác động bởi nhiều nhân tố như tổng cầu dệt may thế giới giảm, xuất phát từ việc các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng. Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao như chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng hơn 3% kể từ cuối quý II, lãi suất ở mức cao trong 6 tháng đầu năm, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ…
Thực tế trên đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất - kinh doanh. Hiện các đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng.
Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng (mã MSH) cũng cho biết, doanh thu của May Sông Hồng tăng nhưng thực chất, giá của các đơn hàng rất thấp, thậm chí không có lợi nhuận. Công ty phải triệt để tiết kiệm các chi phí quản lý.
“Tình hình tiêu thụ hàng hóa phục hồi khá chậm, hàng tồn kho của các khách hàng nhiều nên nửa đầu năm 2024 chưa có biến chuyển tích cực. Vì vậy, biên lợi nhuận quý cuối năm 2023 sẽ không khả quan. Bối cảnh thị trường như vậy buộc Công ty phải đa dạng hóa khách hàng, tránh tập trung vào một vài khách, nâng cấp lên các sản phẩm kỹ thuật cao và ứng xử linh hoạt để tồn tại và thích nghi trong giai đoạn thử thách”, ông Quang chia sẻ.
Trước bức tranh thị trường xuất khẩu năm 2024 còn nhiều thách thức như vậy, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường định hướng các doanh nghiệp trong hệ thống xây dựng kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ 3 - 5%, lợi nhuận tương đương 85 - 100% năm 2023. Để thực hiện kế hoạch sản xuất, các doanh nghiệp, đơn vị thuộc ngành may cần tiếp cận khách hàng với sản phẩm đặc thù mới, nâng cao năng suất lao động, linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống sản xuất, hạn chế mở rộng để tái cấu trúc sản xuất.
Báo cáo “Ổn định tài chính toàn cầu (Global Financial Stability) tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Tăng trưởng toàn cầu vẫn nghiêng về phía giảm do lạm phát ở mức cao và lãi suất sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn. Những vết nứt trong hệ thống tài chính có thể trở thành đường đứt gãy đáng lo ngại nếu mong đợi “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế lớn không thành hiện thực”.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) cũng nhận định: “Về dài hạn, rủi ro lạm phát lì lợm và dai dẳng khiến các quốc gia không đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát sốt ruột có thể là vấn đề. Đặc biệt là khi bất ổn địa chính trị gia tăng có thể khiến một số nguồn cung dầu thô và hàng hóa thô bị gián đoạn bất ngờ”.
Chia sẻ quan điểm về triển vọng ngành tới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho rằng, bản lĩnh từ các lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.
“Dù bị chi phối không nhỏ từ môi trường bên ngoài nhưng sự chủ động của các doanh nhân sẽ tạo yếu tố tích cực không nhỏ, sớm xoay chuyển tình hình. Chúng ta có lòng tin vào bản lĩnh giới doanh nhân, đã từng vượt qua nhiều thách thức còn lớn hơn hôm nay”, ông Lực nói.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement