05/06/2023 18:06
Forbes công bố top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam
Đây là lần thứ 11 Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này tại Việt Nam, xếp hạng dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của công ty đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo Forbes Việt Nam, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.490.453 tỷ đồng, tăng 24,9%. Quán quân doanh thu thuộc về Petrolimex (304.063 tỷ đồng), trong khi vị trí số một lợi nhuận sau thuế thuộc về Vietcombank (29.899 tỷ đồng).
50 công ty thuộc danh sách của Forbes được chia thành 12 lĩnh vực chính, phần lớn là các doanh nghiệp đầu ngành hoặc đã xác lập được lợi thế cạnh tranh, gồm bất động sản dân dụng; bất động sản khu công nghiệp; bán lẻ; công nghệ viễn thông; dược phẩm; F&B; hóa chất; hàng tiêu dùng, gia dụng, công nghiệp; logistics; tài chính - ngân hàng; tài chính - chứng khoán; tài chính - bảo hiểm; tiện ích (điện-nước-khí); vật liệu xây dựng; đa ngành.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh sách thuộc về ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), hàng tiêu dùng thiết yếu, logistics… trong khi, bất động sản và nguyên vật liệu giảm một nửa số đại diện.
Theo ghi nhận của Forbes Việt Nam, danh sách năm 2023 không có nhiều tên tuổi mới so với những năm gần đây. Nguyên nhân có thể do thị trường thiếu vắng những thương vụ IPO tầm cỡ, do sự suy giảm của thị trường chứng khoán và việc gọi vốn quốc tế khó khăn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, tiêu dùng nội địa suy yếu, nhóm ngành phòng thủ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, logistics, công nghệ lên ngôi…
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường bất động sản đóng băng. Thanh khoản trên thị trường sơ cấp gần như mất hút nhiều tháng qua. Bất động sản là ngành kinh tế quan trọng có tác động đến nhiều lĩnh vực quan trọng khác như nguyên vật liệu, hạ tầng, xây dựng, công nghiệp chế tạo, du lịch lưu trú và đặc biệt hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản ở trạng thái không khỏe mạnh ảnh hưởng đến thị trường vốn, gồm cả thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng.
Thứ hai, tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia khiến sức mua giảm, người tiêu dùng buộc phải thắt lưng buộc bụng. Kết quả, các lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam đều suy giảm mạnh từ các mặt hàng điện thoại, điện tử đến những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản… ảnh hưởng đến thị trường lao động, thu nhập và việc làm cả khối doanh nghiệp FDI lẫn nội địa.
Thứ ba, cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm, ảnh hưởng từ vấn đề việc làm, thu nhập và các khó khăn kinh tế.
Tuy nhiên, theo Forbes, kinh tế Việt Nam vẫn có các điểm sáng khi lạm phát kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định. Điều này cho phép Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp