05/06/2021 11:21
Doanh nghiệp lo 'vỡ trận' khi Đồng Nai cách ly người từ TP.HCM
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang ở thế bị động trước yêu cầu cách ly tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú đối với người đến từ TP.HCM trong 21 ngày của UBND tỉnh Đồng Nai.
Đã 3 năm nay, H.B - nhân viên dịch vụ của một doanh nghiệp ôtô ở TP Thủ Đức (TP.HCM) - di chuyển hơn 30 km từ nhà tại Biên Hòa (Đồng Nai) đến công ty mỗi ngày.
"Bộ phận của tôi là dịch vụ bảo hiểm sửa chữa cho khách nên chỉ có một nhân sự. Bây giờ Đồng Nai quy định như vậy, tôi không biết phải làm sao, chẳng lẽ lại tìm nhà thuê trong thời gian giãn cách, nếu không phải nghỉ tạm luôn", H.B than thở.
"Mà công việc của tôi vậy, khách hàng đặt hẹn trước cả tuần, rồi khách đến sửa chữa phát sinh. Tôi mà nghỉ thì coi như mất khách", anh lo lắng. Anh cũng cho biết thêm các bộ phận khác của công ty - nhất là khâu sửa chữa - có 5 nhân viên nữa cũng ở Đồng Nai.
Sáng 5/6, người dân từ TP.HCM chạy về Đồng Nai được phổ biến quy định cách ly 21 ngày. Ảnh: Thanh Phúc. |
Nguy cơ "vỡ trận"
Đại diện một nhãn hàng có nhiều nhà máy gia công ở Đồng Nai đánh giá biện pháp mới này phù hợp với chủ trương chống dịch, góp phần đảm bảo sự an toàn cho lực lượng lao động nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung.
Tuy nhiên, ông cho rằng thời gian áp dụng quá gấp khiến một số nhà máy không kịp lên phương án điều chỉnh cho số lao động đang sống ở nơi này nhưng làm việc tại nơi kia. "Với các nhân sự khối văn phòng thì ảnh hưởng không lớn, nhưng với bộ phận tham gia sản xuất trực tiếp không sống tại địa phương thì ít nhiều có ảnh hưởng", vị đại diện trên cho biết.
Chia sẻ với Zing, ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cũng cho rằng tình trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay đều ở thế bị động.
"Các doanh nghiệp bài bản đã xây dựng từng kịch bản ứng phó, nhưng đa số là về nguyên liệu, tổ chức ca kíp, thực hiện 5K. Còn kịch bản cách ly người lao động mà chiều ra quy định tối áp dụng luôn thì không thể nào chuẩn bị kịp. Các doanh nghiệp có vài trăm nhân sự phải ở lại địa phương khác thì có thể 'vỡ trận', tất nhiên con số này không nhiều", ông nhìn nhận.
Khoảng 16.000 lao động bị ảnh hưởng bởi quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chiều 4/6, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cũng đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến về UBND tỉnh Đồng Nai về vấn đề này.
Công văn nêu rõ có khoảng hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hàng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP.HCM để làm việc. Đồng thời, lượng lớn hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp.
"Việc thực hiện các nội dung nêu tại Công văn số 6180/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp", Hepza nhấn mạnh.
Trong khi đó, số lượng lao động, chuyên gia nước ngoài ở TP.HCM về làm việc trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai cũng lên đến 10.000 người. Như vậy, khoảng 16.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này của UBND tỉnh Đồng Nai.
Rốt ráo tìm chỗ ở cho nhân viên
Trao đổi với Zing sáng 5/6, ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - cho biết đang liên hệ với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để nêu kiến nghị, yêu cầu Đồng Nai có biện pháp khác phù hợp hơn. "Rất nhiều nhà máy ở Đồng Nai từ ông chủ đến nhân viên, công nhân sống tại TP.HCM, sáng đi chiều về, chưa kể còn hàng hóa, xuất nhập khẩu", ông nói.
"Cách ly như vậy là không thể được. Phòng tránh là rất cần thiết nhưng TP.HCM chưa đến mức phải bị cách ly hoàn toàn như vậy", ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh. Ông tiết lộ các hiệp hội ngành nghề khác như thủy sản, da giày, dệt may đều đang tập trung kiến nghị.
Theo ông Chu Tiến Dũng, trước khi các cấp chính quyền tìm ra giải pháp phù hợp hơn, các doanh nghiệp vẫn cần chung tay tuân thủ để đảm bảo an toàn cho người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Công ty tôi chiều qua đã cho các bộ phận liên hệ xung quanh để tìm chỗ ở tạm thời, thiếu thốn cái gì thì trang bị, sau đó động viên người lao động ở lại lưu trú. Tất nhiên phải cân đối, những mặt hàng nào chưa cần thiết thì phải giãn sản xuất, cho lao động nghỉ, còn lại hàng thiết yếu hoặc phải đảm bảo kế hoạch giao hàng thì cố gắng duy trì", ông cho biết.
Kịch bản cách ly người lao động mà chiều ra quy định tối áp dụng luôn thì không thể nào chuẩn bị kịp.
Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)
Hiện Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn nơi ông Chu Tiến Dũng làm tổng giám đốc có gần 100 nhân sự ở tất cả nhà máy cần ở lại TP.HCM. Với những người này, doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 850.000 đồng/ngày/người, gồm chi phí ăn ở, sinh hoạt...
"Lỗ đấy, nếu xét về tính hiệu quả thì cho nhân sự nghỉ luôn sẽ tốt hơn. Nhưng sản xuất vẫn cần phải ổn định để đảm bảo lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nên tôi nghĩ cần chia sẻ và chung tay", ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp có nhà máy ở Biên Hòa, Đồng Nai cũng cho biết đang cố gắng sắp xếp nhân sự và phương thức làm việc để đảm bảo sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, đơn vị buộc phải tận dụng tối đa làm việc và họp hành online, đồng thời xem xét nhân sự nào nhất thiết phải có mặt ở Đồng Nai và cân đối được với gia đình thì bố trí chỗ ở tạm thời trong nhà máy.
"Đến nay chúng tôi vẫn chưa chốt được phương án tối ưu vì quy định được ban hành và áp dụng gấp rút quá. Tuy nhiên, trước mắt cứ làm vậy để nhà máy duy trì được hoạt động", vị này nói thêm.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp