31/08/2018 14:58
Dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp ra công văn khẩn
Bô NN-PTNT vừa có công văn khẩn yêu cầu các địa phương chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam.
Theo Bộ NN-PTNT, bệnh dịch tả heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo (gồm cả heo nhà lẫn heo hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo.
Trước khi có công văn khản từ Bộ Nông nghiệp, các hộ nuôi heo trong nước đã lo lắng dịch bệnh này có thể bùng phát tại Việt Nam bởi thời gian qua thông tin heo thịt từ Trung Quốc vẫn tìm cách xâm nhập lậu vào Việt Nam theo đường biên giới các tỉnh phía Bắc.
Dịch tả heo châu Phi là bệnh dịch gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra dịch này có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do vậy, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Hiện nay, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả heo châu Phi. Thế nên, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Người nuôi lo sợ mầm bệnh dịch có thể theo đàn heo nhập lậu vào Việt Nam. |
Để ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập theo những lô heo nhập lậu, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm của heo bất hợp phát qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu heo, sản phẩm của heo theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật;
Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi; hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến chi cục thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và các địa bàn có nguy cơ cao;
Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng) chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND các tỉnh biên giới triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan qua biên giới.
Cục Thú y cũng được giao nhiệm vụ chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO), các nước để nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh dịch tả heo châu Phi; đề nghị hỗ trợ và phối hợp tìm các giải pháp chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả heo châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever, viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.
Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch dịch tả heo châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số heo buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (gồm Trung Quốc, LB Nga, Ba Lan, CH Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia) báo cáo có dịch tả heo châu Phi.
Ngày 30/8, Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cũng có công văn gửi Sở Nông nghiệp các địa phương, các trung tâm thú y vùng, Chi cục kiểm dịch động vật các tỉnh biên giới phía Bắc…thực hiện hàng loạt biện pháp ngăn chặn mầm bệnh từ các nguồn heo và các sản phẩm thịt heo nhập khẩu.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp