Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dịch COVID-19 ở Hải Dương còn phức tạp, bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong khu phong tỏa

Chính sách - Hạ tầng

14/02/2021 21:29

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tình hình dịch tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng, vì tốc độ lây nhanh, tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ.

Chiều 14/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng chủ trì Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Dương - ổ dịch lớn nhất với 461 ca nhiễm tính từ ngày 27/1/2021. 

Từ ca bệnh đầu tiên ở TP Chí Linh, tính đến ngày 14/2, Hải Dương đã có 10/12 thành phố, huyện có bệnh nhân COVID-19. Toàn tỉnh hiện ghi nhận 461 ca bệnh, trong đó Chí Linh mắc nhiều nhất với 287 bệnh nhân, thứ 2 là Cẩm Giàng 63 bệnh nhân, huyện Kinh Môn với 54 trường hợp, huyện Nam Sách 29 bệnh nhân, TP. Hải Dương 14 bệnh nhân... 

Bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa

Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Hải Dương, cho biết hiện ổ dịch Chí Linh, Kinh Môn cơ bản đã được khống chế. 

bo-truong-y-te.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần đẩy nhanh công tác dập ổ dịch tại Hải Dương. Ảnh: VnExpress

Riêng ổ dịch Cẩm Giàng, tính đến chiều 14/2 ghi nhận 63 ca mắc. Đáng chú ý, trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch trong khu công nghiệp, trong đó riêng Công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc. Tất cả công nhân của công ty này với hơn 400 người đều cách ly tập trung.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng, ổ dịch tại tỉnh còn diễn biến phức tạp. Tỉnh đã xét nghiệm toàn bộ những người liên quan đến quán karaoke, đang tiếp tục truy vết ổ dịch Nam Sách có 29 ca bệnh. Hiện ổ dịch vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa.

Hải Dương đã phong tỏa 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung, trong đó nhiều nhất là Chí Linh với 29 khu cách ly, tiếp đến là Kinh Môn với 27 khu cách ly.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương, cho hay dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống, dập dịch cũng khó khăn hơn bởi dịch xảy ra vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Chuyên gia của Bộ Y tế cũng nhận định, tình hình chung về dịch bệnh ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ, nhất là khi công nhân đi làm trở lại sau Tết, giao thương nhiều... Đặc biệt trong điều kiện thực hiện sản xuất tại các khu công nghiệp, vừa phải chống dịch, nhưng vừa phải duy trì sản xuất, như huyện Cẩm Giàng có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân. Do đó việc thực hiện cách ly nhà với nhà trong các khu cách ly là rất cần thiết, và phải quán triệt thực hiện.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đang ở TP Chí Linh, băn khoăn về kiểm soát dịch tại khu cách ly. Hải Dương đang có tới 13.000 người cách ly tập trung. 

Mật độ cách ly quá đông. Trước đây có phòng 30 người, nay giảm nhiều cũng 10-15 người/phòng, trong khi nếu mật độ khu vực đó 5 người/phòng mới đảm bảo phòng dịch.

Có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng, Hải Dương phải đặc biệt lưu ý ổ dịch Cẩm Giàng

hai-duong.jpg
Công nhân tại Hải Dương xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: Câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để có thể dập ổ dịch ở Hải Dương một cách nhanh nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng, vì tốc độ  lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn. Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ.

Bộ Y tế đã điều những lực lượng tinh nhuệ hỗ trợ Hải Dương ngay từ đầu. Bộ Y tế cũng đánh giá cao Hải Dương trong việc triển khai các biện pháp chống dịch.  Tuy nhiên, từ thực tiễn chống dịch của Hải Dương, đặc biệt là ổ dịch của Cẩm Giàng, nếu không quyết liệt, không làm nhanh nhất thì tình hình dịch của Hải Dương sẽ tác động đến công tác chống dịch của cả nước.

“Tốc độ lấy mẫu và xét nghiệm phải nhanh hơn. Chúng ta đang có xu hướng đi chậm, quan điểm là không nên đuổi theo dịch mà phải chặn dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Ông Long cho rằng có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, có thể kéo dài hơn. "Hải Dương phải hết sức lưu ý ổ dịch Cẩm Giàng. Đây là mối lo ngại của chúng tôi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, các ổ dịch Kinh Môn, Nam Sách cũng phải chú trọng phòng chống.

Với quyết định xét nghiệm diện rộng của tỉnh Hải Dương, người đứng đầu ngành y tế đồng ý nhưng lưu ý tỉnh phải ưu tiên tối đa cho việc phòng chống dịch trước. Ví dụ tại các xã trên địa bàn Cẩm Giàng, Chí Linh lấy mẫu xét nghiệm chùm.  

hai-duong-12(1).jpg
Bộ Y tế đề nghị Hải Dương chỉnh đốn lại các khu cách ly và nghiêm ngặt hơn nữa việc cách ly mới khống chế được dịch. Ảnh: Báo Nhân dân

Với khu công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tán đồng phương án giãn cách xã hội nhưng vẫn đảm bảo sản xuất. Bộ trưởng lưu ý Hải Dương không quá ưu tiên xét nghiệm toàn bộ, mà tập trung những nơi có dịch trước, yêu cầu phải tuân thủ quy định an toàn sản xuất theo các hướng dẫn Bộ Y tế.

Phải chấp nhận phong tỏa mới chặn được tốc độ lay nhiễm

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Hải Dương nghiên cứu áp dụng theo Chỉ thị 16 ở diện rộng hơn, để không đi chậm hơn dịch. Hiện chỉ thị 16 mới thực hiện tại  huyện Cẩm Giàng và thành phố Chí Linh.

“Chúng ta phải chấp nhận phong tỏa, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch. Chúng tôi khuyến nghị như vậy, còn thực hiện Chỉ thị 16 tại bao nhiêu huyện, xã là do tỉnh quyết định", ông Long nói.

Bộ trưởng Y tế phân tích thêm tuy áp dụng Chỉ thị 16, nhưng theo hướng giãn cách trên diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Hiện nay phong tỏa, nhưng không tuân thủ nghiêm vấn đề cách ly, nhà giãn cách nhà, người giãn cách người thì khó có thể thực hiện được chống dịch.

Tại các khu cách ly cũng cần chỉnh đốn lại. Bộ trưởng Y tế đề nghị giao cho quân đội quản lý, vận hành toàn bộ những địa điểm cách ly lớn trên 50 người, để đảm bảo tính tuân thủ trong cách ly.

Đối với những địa điểm cách ly tập trung công nhân của Công ty Poyun và Kuroda Kagaku, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quân khu 3 đưa ra các địa phương lân cận do quân khu 3 quản lý, tức đưa ra khỏi Hải Dương cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm. Chỉ những nơi đảm bảo kiểm soát tốt mới tiếp tục thực hiện cách ly. 

Bộ trưởng y tế nhấn mạnh quan điểm hỗ trợ tuyệt đối cho Hải Dương, và tiếp tục điều nhân lực, trang thiết bị. Tỉnh Hải Dương phải phát huy phương châm 4 tại chỗ và quyết liệt trong chống dịch hơn nữa.

Điều "đội quân thiện chiến" hỗ trợ xét nghiệm

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã điều ngay "đội quân thiện chiến” của Bộ Y tế hỗ trợ Hải Dương.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải đưa máy móc, nhân lực xuống thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế Chí Linh. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống khảo sát ngay tại huyện Cẩm Giàng để thiết lập labo tại đây.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương kêu gọi sinh viên quay lại trường sớm, để phục vụ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho Hải Dương. Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cũng chuẩn bị tinh thần hỗ trợ Hải Dương.

Q.HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement