22/02/2024 14:57
Di lý bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm từ nhiều trại tạm giam về TP.HCM để xét xử
Công an đã di lý bà Trương Mỹ Lan và nhiều bị cáo từ các trại tạm giam vào TP.HCM để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 5/3/2024.
Hoàn tất di lý bà Trương Mỹ Lan và hơn 30 bị cáo
Lực lượng công an đã hoàn tất di lý bà Trương Mỹ Lan và hơn 30 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) từ nhiều cơ quan tạm giữ, tạm giam về TP.HCM để chuẩn bị tham gia phiên tòa vào ngày 5/3 tới.
Trước đó, bà Lan bị tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Hải Dương. Chồng bà này bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam và hơn 30 bị cáo bị giam tại tạm tại Trại tạm giam T16 (Bộ Công an), Trại tạm giam T771 (Bộ Quốc Phòng), Công an tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Đến nay, Công an TP.HCM và các đơn vị nghiệp vụ đã hoàn tất công tác di lý các bị cáo trên đến TP.HCM để chuẩn bị cho phiên tòa diễn ra vào ngày 5/3.
Trong vụ án này, phần lớn các bị cáo bị tạm giam tại Trại tạm giam T17 (Bộ Công an), có hơn 10 bị cáo đang được tại ngoại và có 5 người đang bị truy nã.
Theo dự kiến, ngày 5/3, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan tới vụ án, còn có 85 bị cáo khác bị xét xử về một trong các tội Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Dân trí.
Phiên tòa dự kiến kéo dài hết ngày 29/4.
Sẽ xét xử vắng mặt 5 bị can bỏ trốn
Ngày 15/12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) đã ban hành Thông báo số 250/TB-VKSTC-V3 về việc truy tố các bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Trong đó khẳng định truy tố và đề nghị xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can bỏ trốn trong vụ án này nếu như họ không ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành Cáo trạng số 219/CTr-VKSTC-V3 truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị can về các tội: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong số 86 bị can bị truy tố, có 5 bị can hiện đang bỏ trốn gồm: Đinh Văn Thành (sinh năm 1971, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, Chiêm Minh Dũng (sinh năm 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (sinh năm 1961, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (sinh năm 1974, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (sinh năm 1969, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB).
Để đảm bảo giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) kêu gọi 5 bị can này đến Cơ quan Công an hoặc Viện Kiểm sát nhân dân nơi gần nhất đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Nếu các bị can này tiếp tục bỏ trốn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật, theo chinhphu.vn.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) SCB giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. Số tiền SCB cho nhóm bà Lan vay chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh bị cảnh sát truy vết phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Theo VKS, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước 5,2 triệu USD.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement