29/06/2022 11:28
Đề xuất cắt giảm 58.000 tỷ vốn ngân sách nằm chờ phân bổ, dồn nguồn lực cho chương trình phục hồi
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc quý 2 nhưng trên 58.420 tỷ đồng vẫn nằm chờ phân bổ. Nhiều bộ, cơ quan trung ương như Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp... hay các tỉnh như Cao Bằng, Khánh Hoà... đứng trước nguy cơ bị cắt giảm những khoản chi chưa phân bổ, để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi...
Bộ Tài chính vừa có công văn số 6013/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng, ước thực hiện 6 tháng kế hoạch năm 2022.
Báo cáo nêu rõ, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 58.420,091 tỷ đồng, chiếm 10,78% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tính đến cuối tháng 6, có 9/51 bộ, cơ quan trung ương cùng hàng loạt địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.
Đối với nguồn vốn trung ương (không bao gồm vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia), có 9/51 bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao. Trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao, trên 50% như Thanh tra Chính phủ (84,92%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%); Bộ Tư pháp (54,04%). Bên cạnh đó, 6/63 địa phương chưa phân bổ hết vốn như Cao Bằng, Khánh Hoà, Đắc Nông, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Chỉ rõ nguyên nhân phân bổ kế hoạch vốn chậm trễ, Bộ Tài chính cho hay: "Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025".
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 11/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách địa phương do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.
Bên cạnh đó, đáng chú ý, cập nhật thông tin về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, báo cáo cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2022 là 150.415,78 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch và đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trước đó, cùng kỳ năm 2021 đạt 26,23% kế hoạch và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn trong nước đạt 147.418,92 tỷ đồng, đạt 26,76% kế hoạch và đạt 29,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn vốn nước ngoài đạt 2.996,86 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành vỏn vẹn 8,61% kế hoạch.
Như vậy, ước thanh toán tổng kế hoạch vốn năm 2022 (gồm giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm nay) từ đầu năm đến 30/6/2022 đạt 154.779,88 tỷ đồng, đạt 24,72% kế hoạch.
"Tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%). Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%); vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%)", Bộ Tài chính đánh giá.
Tại báo cáo, Bộ Tài chính cũng nêu rõ có 7 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%.
Theo đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%); Ngân hàng phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (51,13%), Lâm Đồng (47,68%), Bình Thuận (45,06%), Ninh Bình (43,88%), Tiền Giang (42,7%).
Bên cạnh đó, còn có 40/51 bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó, có 25 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Đáng quan ngại, dù gần kết thúc 6 tháng đầu năm nhưng vẫn còn 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn, gồm: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực và Hội Nhà văn.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu tại báo cáo số 3605/BC-BKHĐT ngày 2/6/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2022 và kết quả của 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022.
Cùng với đó, "các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định, để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế", Bộ Tài chính đề xuất.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn.
Đồng thời, "đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư", Bộ Tài chính yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/02/2021 Quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement