24/06/2022 19:35
Xuất khẩu hàng dệt may đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm
Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, đây là con số ấn tượng đối với ngành dệt may, theo Nikkei.
Theo báo cáo, mặc dù hoạt động mua sắm một số nguyên liệu bị chậm lại do các đợt phong tỏa COVID-19 kéo dài ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng xuất khẩu vẫn tăng nhờ sự thúc đẩy từ nhiều hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, bao gồm cả với Liên minh châu Âu.
Việt Nam là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết các hiệp định thương mại quốc tế đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.
Với sự lây lan của COVID-19 đang chậm lại, nhu cầu đối với các mặt hàng quần áo ở Mỹ và châu Âu, những thị trường xuất khẩu chính của các nhà sản xuất Việt Nam, tiếp tục tăng.
Mặc dù hoạt động thu mua vải từ Trung Quốc theo chính sách chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt của nước này bị đình trệ, nhiều nhà sản xuất đã vội vàng đảm bảo hàng tồn kho và giảm thiểu tác động tiêu cực của việc giảm mua sắm đối với sản xuất.
Từ một nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sợi nhập khẩu, năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu được 5,6 tỷ USD sợi, riêng 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sợi đã đạt xấp xỉ 3 tỷ USD.
Ngành sợi Việt Nam bứt phá nhờ áp dụng công nghệ tự động hóa, nhiều nhà máy đầu tư lớn, sử dụng mô hình quản trị số. Công nghiệp kéo sợi cũng đi đầu trong trong chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường, giảm mức độ lệ thuộc cho nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may.
Ngành dệt may Việt Nam cũng phát triển nhanh về xanh hóa, bền vững, chuyển hóa sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng Mặt Trời, tiết kiệm nguồn nước nhờ đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và được khách hàng tín nhiệm cao.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may.
Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng; trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.
Xung đột Nga-Ukraina chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt, ông Giang phân tích.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng của các nhà sản xuất đang rời xa Trung Quốc. Do đó, sản xuất tại Việt Nam có thể tránh được sự gia tăng chi phí phát sinh từ việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng quần áo được vận chuyển từ Trung Quốc.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement