Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đề xuất cách ly 7 ngày với người nhập cảnh có 'hộ chiếu vaccine'

Phân tích

16/04/2021 07:17

Cục trưởng Y tế dự phòng đề xuất, người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine sẽ cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm hai lần, nếu âm tính cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú thêm 7 ngày.

Ngày 15/4, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đã nêu đề xuất trên với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.

Theo đó, người nhập cảnh Việt Nam có hộ chiếu vaccine sẽ được xét nghiệm lần đầu vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh; lần thứ hai vào ngày cách ly thứ 6. Lần xét nghiệm thứ ba được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nếu cả ba lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian cách ly của người có hộ chiếu vaccine là 14 ngày, trong đó 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú. Hiện nay, tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng việc giảm thời gian cách ly với những người đã có chứng chỉ tiêm vaccine hợp lệ là cần thiết. Thậm chí, ông đề xuất với những người có hộ chiếu vaccine, sau khi nhập cảnh mà xét nghiệm PCR âm tính thì không cần phải cách ly.

Tuy nhiên, để có quy trình áp dụng hộ chiếu vaccine an toàn, ông Nhung đề xuất trước mắt nên làm thí điểm. "Việc giảm thời gian cách ly hoặc thậm chí không cần cách ly có thể thí điểm qua việc đón khách đến Nha Trang, nếu sau một thời gian cho kết quả tốt, đảm bảo không lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ mở rộng đến những nơi khác", ông Nhung nói.

Khách nước ngoài làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, trước khi Việt Nam dừng đường bay thương mại quốc tế, tháng 3/2020. Ảnh: Bá Đô

Khách nước ngoài làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, trước khi Việt Nam dừng đường bay thương mại quốc tế, tháng 3/2020. Ảnh: Bá Đô

Đồng thời, ông Nhung cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn cần đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Mục tiêu này phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đầu tiên, các cơ quan phải xây dựng quy trình an toàn, như công nhận các loại vaccine nào, thời gian từ khi tiêm đến khi nhập cảnh là bao lâu, cách tiêm có đúng hướng dẫn hay không, hiệu lực của vaccine ra sao... "Đặc biệt phải có quy trình để phát hiện hộ chiếu vaccine giả", ông Nhung cảnh báo.

Ngoài ra, Việt Nam cần yêu cầu tất cả những người nhập cảnh khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluzone để giám sát và truy vết khi cần thiết; khi người mang hộ chiếu vaccine xuất cảnh, tiếp tục xét nghiệm PCR lần nữa.

Với khách du lịch quốc tế, ông Nhung cho rằng sau khi nhập cảnh, nhà chức trách cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo họ không đi ra khỏi giới hạn địa điểm được quy định. Lực lượng công an, quân đội, y tế địa phương cần được huy động để kiểm soát các địa điểm mở cửa. "Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nên đón khách du lịch quốc tế một cách thận trọng, có lộ trình sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước", ông nói.

Với người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài (đã được tiêm vaccine) trở về, ông Nhung nói có thể vẫn áp dụng cách ly 7 ngày để đảm bảo an toàn. "Nếu có thể giải cứu người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài trở về an toàn thì đây là việc làm nhân văn và kinh tế", ông Nhung nêu quan điểm.

PGS Nguyễn Viết Nhung cũng đồng tình với ba nhóm người dự kiến được áp dụng hộ chiếu vaccine theo dự kiến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, bởi những người này chiếm tỉ lệ lớn trong nhập cảnh Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), nói hộ chiếu vaccine bản chất là giấy chứng nhận tiêm đủ số mũi vaccine Covid-19, qua đó giúp người dân có thể phòng bệnh dịch, tháo gỡ khó khăn trong đi lại, làm ăn kinh tế. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra vấn đề "hộ chiếu vaccine" nhưng chưa thực hiện.

"Israel có tỷ lệ tiêm chủng cao song cũng chỉ cho người dân đi lại trong nước của họ. Hiện Việt Nam vẫn chưa có miễn dịch cộng đồng, bởi tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao, nên nếu để lọt vài trường hợp nhập cảnh mắc bệnh vào thì nguy cơ dịch bùng phát trở lại là không tránh khỏi", PGS Trần Đắc Phu nói.

Vì vậy, ông Phu cho rằng nên tính toán hài hòa giữa việc không để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng và phát triển kinh tế. Vấn đề gây lo ngại là vaccine Covid-19 còn quá mới, tác dụng bảo vệ như thế nào chưa thể khẳng định. Trong khi đó, số người được tiêm vaccine ở Việt Nam còn ít so với yêu cầu.

Vì vậy, ông đề xuất, trước mắt Việt Nam có thể áp dụng mô hình "du lịch ít tiếp xúc". Nghĩa là những người có hộ chiếu vaccine có thể nhập cảnh, được xét nghiệm Covid-19, phải cách ly tập trung số ngày hợp lý, đến những nơi không có giao lưu đi lại và tập trung đông người. Tất cả những hoạt động này phải được giám sát một cách chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành liên quan.

"Việt Nam cần có chiến lược để công nhận hộ chiếu vaccine với các nước theo hình thức song phương hoặc với một khu vực. Trước mắt thí điểm áp dụng hộ chiếu với một vài nước có tỉ lệ tiêm chủng cao, với loại vaccine đạt hiệu quả miễn dịch cao, được tổ chức y tế có uy tín phê chuẩn", ông Phu nêu quan điểm.

Tại cuộc họp ngày 9/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 thống nhất ba nhóm người nhập cảnh dự kiến được áp dụng hộ chiếu vaccine gồm: Người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài, đã tiêm vaccine Covid-19; người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh; khách du lịch quốc tế.

Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng; nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Viết Tuân - Nhật Linh
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement