01/08/2021 14:06
Để người ngoại tỉnh yên tâm ở lại TP.HCM: Vaccine, lương thực, việc làm, chỗ ở
Các ý kiến tâm huyết đều cho rằng, phương châm 4 tại chỗ gồm “Vaccine, lương thực, việc làm, chỗ ở” sẽ giúp người lao động ngoại tỉnh yên tâm ở lại TP.HCM.
Từ đầu tháng 7, dòng người rời khỏi TP.HCM ngày càng tăng. Họ là công nhân khu công nghiệp, lao động tự do đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tình hình trở nên ngày càng nghiêm trọng sau khi TP.HCM siết chặt biện pháp chống dịch, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà sau 18h.
Cảnh thường thấy hàng ngày là dòng người ồ ạt rời khỏi thành phố hồi hương, chủ yếu bằng xe máy. Người ta chở cả gia đình trên chiếc xe máy để sẵn sàng vượt hàng ngàn km về quê.
Đã có nhiều hình ảnh gây xúc động mạnh. Một em bé mới sinh khát lả trên tay mẹ còn đang rất yếu vì sinh mổ nép vào lưng người chồng trên chiếc xe máy vượt hơn 1.500 km để về miền Tây Nghệ An. Bốn mẹ con người xứ Nghệ trên 4 chiếc xe đạp đi chục ngày mới đến Phan Rang. Cụ bà 75 tuổi đi bộ một mình về Bắc…
Ghi nhận thực tế những ngày vừa qua cho thấy dòng người từ các địa phương có dịch ở các tỉnh miền Nam (đặc biệt là TP.HCM) ùn ùn trở về địa phương rồi "vạ vật" ở các chốt kiểm dịch khu vực tiếp giáp Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cùng một số địa phương khác.
Có thể thấy, cuộc sống của họ đã bị đại dịch đẩy vào bế tắc và họ phải lên đường vì không còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch ngày càng lây lan nhanh hơn bao giờ hết, các cơ sở y tế của TP.HCM quá tải; hầu khắp các địa phương trên cả nước, trong đó có quê hương của những người lao động đang trên hành trình trở về đang gồng mình chống dịch, cuộc hồi hương ồ ạt lần này mang đến những nguy cơ rất lớn.
Đó là nguy cơ lây nhiễm chéo lẫn nhau; gieo rắc mầm bệnh trên đường đi; mang dịch về chính quê hương của họ. Một số địa phương ban đầu trống giong cờ mở đón công dân của mình về cách ly. Tuy nhiên, nhận thấy nguy cơ hiện hữu quá lớn có thể dẫn đến mất kiểm soát, có địa phương chủ động ra văn bản dừng tiếp nhận công dân, thậm chí yêu cầu quay về nơi xuất phát.
Hôm qua, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành siết chặt biện pháp chống dịch, tận dụng những ngày giãn cách quý giá để đẩy lui dịch bệnh, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách.
Các địa phương cần làm gì để vừa đảm bảo công tác chống dịch, vừa đảm bảo đời sống cho công dân của tỉnh mình, góp phần cùng TP.HCM ngăn dòng người ồ ạt hồi hương?
Hỗ trợ tại chỗ
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh tổ chức những đợt đưa công dân của mình về quê. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ đưa về những người dân yếu thế, người già và trẻ em… Và khuyến khích những công dân của mình ở đâu thì hãy ở yên đó, địa phương sẽ xây dựng phương án hỗ trợ cho phù hợp.
Ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh vừa bố trí một đoàn tàu đưa hơn 380 người trở về địa phương và đưa đi cách ly theo quy định.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, hiện địa phương đang đánh giá lại hiệu quả và nguy cơ trước khi đưa ra quyết định tiếp tục tổ chức đón công dân ở vùng dịch về quê hay không.
“Tuy nhiên, ý kiến chung là hỗ trợ để bà con ổn định tại chỗ vì như thế sẽ hay hơn là di chuyển”, ông Đỗ Văn Hùng nói.
Trong khi đó, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo rà soát, tổng hợp của Sở LĐTB&XH tỉnh thì hiện có khoảng 50.566 lao động là người địa phương đang làm việc tại TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đang cách ly tập trung hơn 10.000 công dân trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Hiện Thừa Thiên – Huế tổ chức 2 đợt để đưa khoảng 615 công dân từ TP.HCM về quê bằng máy bay và tàu hoả. Tuy nhiên, trước việc các khu cách ly của tỉnh đang trong tình trạng quá tải, Thừa Thiên – Huế thông báo sẽ tạm dừng đón công dân của mình về quê từ ngày 1/8 sau khi kết thúc đợt 3 đưa 250 công dân trở về bằng máy bay tính phí.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị: “Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, cho cộng đồng và cho quê hương Thừa Thiên - Huế, đề nghị người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng nghiêm túc thực hiện, không di chuyển trở về Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn này. Những trường hợp cấp thiết, đề nghị người dân liên hệ với chính quyền thông qua ứng dụng Hue-S hoặc đường dây nóng 19001075 để được hỗ trợ”.
Quê hương luôn bên cạnh
Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình cũng mới có tâm thư gửi bà con Quảng Bình đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đề nghị bà con nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong thư, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình gửi lời hỏi thăm ân cần, động viên đến bà con quê hương Quảng Bình đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM.
Ông Vũ Đại Thắng cũng kêu gọi bà con quê hương Quảng Bình đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự điều hành của chính quyền TP.HCM và các địa phương với cam kết không để ai bỏ lại phía sau, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc...
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con gặp khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Chính quyền, Mặt trận cấp xã trong tỉnh sẽ thống kê số lượng bà con Quảng Bình gặp khó khăn trong vùng dịch để hỗ trợ bà con bằng hình thức phù hợp với số tiền 1 triệu đồng/hộ.
Mọi khó khăn, đề nghị trợ giúp, xin bà con liên hệ qua Hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM hoặc qua gia đình để thông báo chính quyền địa phương cấp xã ở quê nhà; hoặc đường dây nóng hỗ trợ công dân Quảng Bình: 18008073.
"Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, lãnh đạo tỉnh tin tưởng cộng đồng người Quảng Bình tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Quê hương luôn bên cạnh, đồng hành với bà con trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19", Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình nhắn nhủ trong tâm thư gửi bà con Quảng Bình đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, ông Võ Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước đây, quan điểm của tỉnh sẽ là tìm cách đưa công dân đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê để chia sẻ bớt gánh nặng cho các địa phương. Tỉnh thậm chí liên lạc với hãng Vietnam Airlines và Bamboo để cho người dân về quê nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, sau khi nắm được công điện của Thủ tướng thì địa phương sẽ thực hiện nghiêm theo chỉ đạo và xây dựng những phương án phù hợp nhất để hỗ trợ công dân tỉnh nhà đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Phương châm của tỉnh là không để công dân nào đói khổ, thiếu thốn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Vaccine, công việc, lương thực, chỗ ở
Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch ngày 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khi thành phố đảm bảo được người lao động ngoại tỉnh được tiêm vaccine sớm và công ăn việc làm, họ sẽ bớt rời khỏi thành phố hồi hương.
“Chúng ta hãy nhường một phần vaccine để (người dân) TP.HCM được tiêm trước. Đây là tinh thần cả nước hướng về TP.HCM. Nếu chúng ta thống nhất như thế, tuyên truyền cho người lao động ở lại thành phố sẽ tiêm vaccine, bà con sẽ bớt về. (Người lao động) tiêm xong, tôi đã bàn với các đồng chí lãnh đạo TP.HCM tổ chức cho công nhân đi làm tiếp.
Nếu công nhân chưa đi làm được thì thành phố tổ chức làm công việc công ích, như dọn vệ sinh đô thị, những công việc mà bà con có thể kiếm được tiền, vừa giảm được cứu trợ, vừa để mọi người được lao động trong trạng thái bình thường mới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Các ý kiến tâm huyết gửi về báo điện tử VTC News cũng cho rằng, sự đảm bảo vaccine, lương thực, chỗ ở, công ăn việc làm sẽ giúp thành phố kiểm soát được dòng người ùn ùn hồi hương, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống dịch. Trước hết, cần đảm bảo rằng người lao động ngoại tỉnh không bị đói trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội.
Những vấn đề như việc cạn lương thực, cạn tiền trả cho nơi thuê trọ, việc đảm bảo chỗ ở cho người lao động cũng hết sức quan trọng. Các ý thống nhất đây là công việc hết sức khó khăn trong bối cảnh TP.HCM đang dốc toàn lực cho công tác chống dịch, nhưng không thể không thực hiện.
Sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có những mắt xích trực tiếp liên quan đến khâu cung cấp thực phẩm và chỗ ở cho người lao động trở nên cần kịp thời hơn bao giờ hết.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp