02/09/2023 11:12
Đầu tư của Trung Quốc vào Brazil chạm mức thấp nhất trong 13 năm
Theo một báo cáo ghi lại hoạt động kinh doanh giữa hai nước, các rào cản pháp lý và suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã khiến đầu tư của nước này vào Brazil giảm mạnh.
Kết quả nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba bởi Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc - Brazil (CBBC), một tổ chức phi lợi nhuận, chi tiêu của Bắc Kinh vào năm 2022 đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 13 năm là 1,3 tỷ USD, đẩy nước này xuống vị trí thứ chín trên toàn cầu về đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến mức giảm gần 78%.
Tulio Cariello của CBBC cho biết, trong các khoản đầu tư khai thác mỏ, với tổng trị giá ước tính khoảng 2 tỷ USD, các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đã dẫn đến việc thiếu giấy phép để thực hiện các dự án, do đó góp phần làm sụt giảm.
Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Brazil vẫn mạnh mẽ, được phản ánh qua số lượng dự án được công bố năm ngoái, đạt mức kỷ lục 32 dự án kể từ khi CBBC bắt đầu theo dõi số liệu thống kê này vào năm 2007.
Không có "khoản đầu tư lớn" nào được xác nhận, một phần vì các doanh nghiệp nhà nước thường thổi phồng con số lên rất nhiều như Tập đoàn Lưới điện nhà nước Trung Quốc và Tập đoàn Tam Hiệp đã không có đóng góp đáng kể vào năm 2022.
Mức đầu tư thấp hơn của Bắc Kinh trải rộng khắp châu Mỹ Latinh cũng như Liên minh châu Âu và Anh, trong khi Mỹ, Úc và các nước thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường chứng kiến sự gia tăng đáng kể.
Aline Tedeschi của Observa China, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brazil, cho biết sự trượt dốc cũng có thể xuất phát từ tâm lý toàn cầu đối với việc Trung Quốc đang hạ nhiệt ở các khu vực quan trọng đối với lĩnh vực đổi mới của gã khổng lồ châu Á.
Tedeschi cho biết thêm, khi một số quốc gia phát triển như Canada và Úc tỏ ra sẵn sàng tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc, Bắc Kinh đã phải ưu tiên đầu tư để đảm bảo chuỗi sản xuất ổn định trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới. Sự thay đổi chiến lược này đã gây bất lợi cho những đóng góp to lớn thường lệ của Bắc Kinh cho cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển.
Tính thanh khoản thấp trong nền kinh tế nội địa của Trung Quốc và "nhu cầu cấp thiết để cân bằng nợ địa phương" trong một thế giới bất ổn hậu đại dịch cũng gây thiệt hại.
Sự suy thoái của Brazil xảy ra khi Argentina - quốc gia có nền kinh tế chỉ bằng 1/3 quy mô của nước láng giềng lần đầu tiên vượt qua nước này trong bảng xếp hạng CBBC. Theo báo cáo, điều đó khiến Argentina trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh. Argentina chỉ nhỉnh hơn Brazil 40 triệu USD nhờ lĩnh vực năng lượng và khai thác lithium, vốn có rất nhiều ở đất nước Argentina.
Tuy nhiên, thứ hạng thay đổi có thể chỉ là tạm thời vì Brazil có vẻ vẫn là điểm đến chính của tiền Trung Quốc trong khu vực, Margaret Myers của Đối thoại liên Mỹ, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết.
Myers ngần ngại cho rằng những số liệu của Buenos Aires là do nước này tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2022, mặc dù một số doanh nghiệp mới có thể đã được mời chào nhưng điều này không có nghĩa là Argentina đã trở nên hấp dẫn hơn Brazil hoặc nước này hiện là điểm đến đầu tư lâu dài của Bắc Kinh. .
Thay vào đó, bản chất đang thay đổi của đầu tư Trung Quốc vào Brazil có thể đang diễn ra. Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc sản xuất và truyền tải điện trên toàn thế giới.
Cariello lưu ý rằng xe điện và năng lượng mới là một lĩnh vực mới nổi và được ưu tiên cao đối với Trung Quốc. Ông cho biết, đầu tư toàn cầu của Bắc Kinh vào ô tô điện đã tăng gấp 40 lần từ năm 2016 đến năm 2020. Ở Brazil, lĩnh vực này năm ngoái chiếm hơn một nửa tổng số đầu tư vào lĩnh vực xanh. Hai nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã dẫn đầu với khoản đầu tư khổng lồ vào Brazil.
BYD, nhà sản xuất ô tô và pin của Trung Quốc, cho biết họ có kế hoạch đầu tư hơn 600 triệu USD vào một khu công nghiệp mới ở bang Bahia, phía đông bắc Brazil. Nơi này trước đây do Ford điều hành, ty nhiên hãng đã rời khỏi thị trường Brazil vào năm 2021, dẫn đến mất hơn 120.000 việc làm.
Có mặt tại Brazil từ năm 2015, BYD có kế hoạch sử dụng thương vụ mua lại để xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô, xe tải và xe buýt cũng như làm giàu lithium. Mục tiêu là các nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm tới.
Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motors đã mua lại một nhà máy lớn từ nhà sản xuất Mercedes-Benz của Đức ở Iracemápolis, bang SaoPaulo. Khoản đầu tư dự kiến sẽ đạt 776 triệu USD vào năm 2025.
Sự xuất hiện của GWM đã mang lại hy vọng cho hàng trăm nhân viên Mercedes bị mất việc vào tháng 12/2020, thời điểm đại dịch lên đến đỉnh điểm. Nhà phân tích nhân sự, Laura Dias cho biết cô đã làm việc tại Mercedes được gần 3 năm trước khi hãng này tuyên bố sa thải nhân công.
Sự xuất hiện của GWM đã giúp hàn ngàn lao động lấy lại được chỗ đứng về mặt tài chính và hỗ trợ những người thất nghiệp sớm ổn định cuộc sống. "Người Trung Quốc rất quan trọng không chỉ đối với thị trấn của tôi mà còn đối với cả khu vực", Dias nói thêm.
Ricardo Bastos của GWM Brasil cho biết khoản đầu tư này đã đạt đến đỉnh điểm của một phân tích bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước. Khi đó, trụ sở chính tại Trung Quốc đánh giá thị trường Brazil nhưng tạm hoãn liên doanh để chờ tình hình kinh tế thuận lợi hơn.
Tất cả máy móc mà Mercedes để lại, bí quyết của các nhân viên cũ và việc dễ dàng tìm được công nhân có trình độ đã giúp công ty quyết định hoạt động ở Brazil. GWM hiện bán xe hybrid nhập khẩu và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong nước vào giữa năm tới.
Việc tuyển dụng nhân viên mới đang được tiến hành, số lượng nhân viên trực tiếp dự kiến sẽ lên tới 300 người, với 2.000 việc làm mới dự kiến sẽ được tạo ra vào năm 2033.
Ông nói thêm, nếu thị trường phản ứng như GWM mong đợi, kế hoạch đầu tư của công ty có thể đạt 2 tỷ USD. Trụ sở chính của GWM tại Brazil sẽ là điểm mở rộng cho toàn bộ châu Mỹ Latinh.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement