01/08/2024 08:27
Dầu thô phục hồi mạnh trước nguy cơ xung đột ở Trung Đông leo thang
Giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch hôm nay (1/8) tại châu Á, kéo dài mức tăng mạnh trong phiên trước đó sau vụ sát hại một lãnh đạo Hamas ở Iran, làm tăng mối đe dọa về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông và dấu hiệu nhu cầu dầu mạnh ở khu vực này.
Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tương lai tăng 67 cent, tương đương 0,8%, lên 81,51 USD/thùng vào lúc 8h15 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô kỳ hạn Trung cấp West Texas của Hoa Kỳ tăng 69 cent, tương đương 0,9%, lên 78,60 USD/thùng.
Các hợp đồng tích cực nhất trên cả hai điểm chuẩn đã tăng khoảng 4% trong phiên trước.
Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đã bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran hôm 31/7, chưa đầy 24 giờ sau khi chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah có trụ sở tại Lebanon bị giết trong một cuộc tấn công của Israel ở thủ đô Beirut.
Vụ việc làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến kéo dài 10 tháng ở Gaza giữa Israel và Hamas đang biến thành một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn, có khả năng dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực.
"Chúng tôi lo ngại khu vực này đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến", Phó đại diện Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Shino Mitsuko cho biết hôm thứ Tư khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường nỗ lực ngoại giao tranh toàn diện.
Bên cạnh đó, giá dầu được thúc đẩy còn do một loạt dữ liệu được công bố từ Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới và đồng USD yếu hơn.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố hôm 31/7 cho thấy, nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ đã đẩy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/7 xuống còn 433 triệu thùng.
Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm trong 5 tuần liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 1/2021.
Một dữ liệu riêng từ EIA cho thấy, nhu cầu dầu của Mỹ đang ở mức kỷ lục theo mùa trong tháng 5 do mức tiêu thụ xăng tăng lên mức cao nhất kể từ trước đại dịch.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD tiếp tục giảm vào hôm nay so với phiên trước, sau khi Fed giữ lãi suất ổn định nhưng để ngỏ khả năng cắt giảm vào tháng 9. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu từ các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy vậy, những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã hạn chế mức tăng của dầu. Và hoạt động sản xuất của các thành viên Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng gây áp lực lên giá.
Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến của ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) vào ngày 1/8.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp