11/07/2019 08:00
Cuộc chiến 10 năm giành lại “chảo lửa” Chi Lăng: Doanh nghiệp phải gánh sai cho chính quyền? (bài 4)
Trong khi chính quyền Đà Nẵng muốn bỏ ra 1.251 tỷ đồng để chuộc lại sân Chi Lăng thì các bên liên quan cho rằng số tiền này quá ít.
Đà Nẵng muốn mua lại
Theo đề nghị của Tổng cục Thi hành án dân sự liên quan đến việc thi hành bản án của TAND TP.HCM năm 2017 về việc xử lý số tài sản liên quan đến ông Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh thì tháng 5/2019, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đã tổ chức buổi làm việc về việc thỏa thuận thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng.
Sân vận động Chi Lăng sẽ còn hoang phế trong nhiều năm khi những vướng mắc về luật vẫn chưa được giải quyết. |
Các bên liên quan tham dự cuộc họp này gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Agribank chi nhánh Láng Hạ (bên được thi hành án), ông Phạm Công Danh, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (bên phải thi hành án) do Luật sư Phan Trung Hoài đại diện và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND TP. Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc này, phía UBND TP. Đà Nẵng đã trình bày quan điểm về việc chi 1.251 tỷ đồng để trả cho các bên liên quan nhằm thu hồi lại toàn bộ phần đất thuộc sân vận động Chi Lăng. Đại diện Đà Nẵng viện dẫn kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ năm 2012 khẳng định việc giảm 10% tiền sử dụng đất (khoảng 139 tỷ đồng) khi giao đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là trái quy định, phải thu hồi để nộp vào ngân sách.
Thứ hai, việc tách thửa để cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đã bị Phạm Công Danh cầm cố vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) đối với đất thương mại dịch vụ là không đúng pháp luật. Do đó, về cơ bản 10 sổ đỏ này phải bị thu hồi và hủy.
“Thành phố Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách, trị giá 1.251 tỷ đồng. Số tiền này được trả cho các ngân hàng để làm tài sản thi hành án”, đại diện TP. Đà Nẵng nêu quan điểm.
Ngân hàng chê ít
Phía Ngân hàng Xây dựng Việt Nam cho rằng, căn cứ vào bản án của TAND TP.HCM năm 2017, ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và một công ty khác có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn cho đơn vị này số tiền gần 4.000 tỷ đồng kèm tiền lãi với các khoản vay tính theo các hợp đồng tín dụng. Tài sản được kê biên để thực hiện nghĩa vụ thi hành án là các lô đất ở sân vận động Chi Lăng.
Sân vận động Chi Lăng đã bị kê biên tài sản trong vụ đại án Phạm Công Danh nhưng chưa thể thi hành án. |
Việc trả 1.251 tỷ đồng để bồi hoàn cho khoản nợ 4.000 tỷ đồng sẽ gây thiệt hại lớn đến ngân hàng. Ngoài ra, giá trị thực của 10 lô đất mà Ngân hàng Xây dựng đang nắm giữ cao hơn nhiều con số mà UBND TP. Đà Nẵng đưa ra.
“Phía ngân hàng đề nghị Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng thực hiện thi hành án, bán đấu giá sân Chi Lăng theo bản án mà TAND TP.HCM đã tuyên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nêu rõ những khó khăn không thể thực hiện được khi bán đấu giá tài sản theo bản án. Bởi có những vướng mắc về Luật mà khi tuyên án, Hội đồng xét xử đã không tính toán hết khiến việc thi hành án gần như là bất khả thi”, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng nói.
Đại diện cho ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, việc đánh giá và cấp sổ đỏ đối với các khu đất thương mại dịch vụ là chuyện của UBND TP. Đà Nẵng thời điểm đó.
Doanh nghiệp không thể chịu trách nhiệm vì cái sai của chính quyền nên việc thi hành án phải đảm bảo lợi ích của các bên. Do đó, Luật sư Hoài đề nghị UBND TP. Đà Nẵng xem lại số tiền để “chuộc” lại sân vận động Chi Lăng đã hợp lý chưa để đảm bảo quyền lợi các bên.
Như vậy, gần 10 năm sau quyết định bán vội vàng “chảo lửa” Chi Lăng, chính quyền và người dân Đà Nẵng vẫn chưa thể đòi lại biểu tượng một thời của mình. Những vướng mắc về luật sẽ còn khiến sân vận động này tiếp tục phơi sương trong nhiều năm nữa.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement