Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

5 điểm rút ra từ hiệp định RCEP: Châu Á củng cố vị trí người cầm đuốc thương mại tự do

Kinh tế thế giới

17/11/2020 00:58

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết bởi 15 quốc gia hôm 15/11 đã đưa châu Á trở thành ngọn đuốc của thế giới về thương mại tự do.

Những năm gần đây, Mỹ đã tránh xa các hiệp ước đa phương đầy tham vọng. Và lập trường này có thể sẽ được giữ vững dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ở châu Âu, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu cũng sắp hết thời gian để ký kết một thỏa thuận hậu Brexit.

Trong khi đó, RCEP mang sứ mệnh là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, với khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội và dân số toàn cầu. 

Khi hiệp định này có hiệu lực, các bên ký kết, gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, có thể mong đợi một loạt các cơ hội kinh doanh mới.

Dưới đây là 5 kết quả quan trọng đối với quy mô thương mại của châu Á.

1. RCEP thúc đẩy sự trỗi dậy của châu Á

Hiệp ước sẽ tạo ra một khối kinh tế châu Á khổng lồ. Theo đó, các quy tắc và tiêu chuẩn chung sẽ góp phần điều chỉnh cả thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư xuyên biên giới, cũng như thương mại điện tử. 

Điều này hứa hẹn sẽ giúp các thành viên phát triển nền kinh tế của riêng mình và làm cho châu Á trở nên hấp dẫn hơn đối với phần còn lại của thế giới.

Từ trái qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh vẫy tay chào người đồng cấp tại lễ ký kết RCEP trực tuyến, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội vào ngày 15/11. Ảnh: TTXVN và Kyodo
Từ trái qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh vẫy tay chào người đồng cấp tại lễ ký kết RCEP trực tuyến, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội vào ngày 15/11. Ảnh: TTXVN và Kyodo

Stuart Tait, người đứng đầu ngân hàng thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương HSBC, cho rằng: “Thương mại nội châu Á, vốn đã lớn hơn thương mại của châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. Giờ đây, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng tâm kinh tế về phía châu Á".

Đặc biệt, khi châu Á nổi lên sau đại dịch COVID-19, RCEP mang lại cho các công ty Mỹ, châu Âu và các công ty toàn cầu khác một lý do mới để đầu tư vào phía này của hành tinh.

Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, đã đề cập đến điều này tại hội nghị thượng đỉnh RCEP. Theo đó, người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan cho biết, hiệp ước sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

2. Doanh nghiệp phấn khởi

Sau khi ký kết, các doanh nghiệp ở 15 quốc gia đã hoan nghênh thương vụ này. Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm 16/11, chủ tịch Toyota Motor, Akio Toyoda, với tư cách là chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, cho biết công ty "hoan nghênh" việc ký kết hiệp định RCEP.

Ông nói: “Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản hoạt động trên quy mô toàn cầu, do đó hiệp định RCEP sẽ hỗ trợ tạo ra một chuỗi giá trị tiên tiến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản tăng vọt vào hôm 16/11, ngày giao dịch đầu tiên sau khi RCEP được ký kết. Ảnh: Tetsuya Kitayama
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản tăng vọt vào hôm 16/11, ngày giao dịch đầu tiên sau khi RCEP được ký kết. Ảnh: Tetsuya Kitayama

Hiệp định RCEP cũng mang lại cơ hội cho các công ty Trung Quốc. Theo đó, Sichuan Hongmeng Zhongtuo Automobile Trading là một trong số 5 "đối thủ" ở tỉnh Tứ Xuyên được chọn cho dự án thí điểm xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng. 

"Đông Nam Á từng có mức thuế nhập khẩu ô tô cũ cao nhất thế giới". Tổng giám đốc Li Chuan cho biết: “Với việc thực hiện RCEP, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng lớn nhất cho Trung Quốc”.

Những cơ hội tương tự cũng diễn ra ở Singapore. Ho Meng Kit, CEO Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, cũng cho rằng, một khi RCEP bắt đầu hoạt động, các công ty sẽ "tận hưởng sự linh hoạt hơn trong việc tìm nguồn cung ứng từ một nhóm lớn hơn các nhà cung cấp trong khu vực".

Hôm 16/11, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã tăng 2,05% khi kết phiên giao dịch. Một phần lý do của mức tăng này là kỳ vọng về một thỏa thuận sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các nhà sản xuất Nhật Bản. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 1,97%.

3. Phản ứng của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

Vào năm 2017, Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt ra một giai đoạn bảo hộ vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Và hiện tại là RCEP. 

Liệu Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện của mình trong nền kinh tế châu Á mà không cần tham gia vào một trong hai hiệp ước thương mại lớn của khu vực? Đây là một trong những câu hỏi mà Biden sẽ phải đối mặt khi chuyển đến Phòng Bầu dục.

Các chính sách của Trump là động lực thúc đẩy các bên đàm phán để ký kết RCEP. Trong khi đó, chính quyền Biden tuyên bố rằng, họ sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà.

Chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã cam kết không đàm phán các thỏa thuận thương mại mới trước khi đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà. Điều này cho thấy ông có thể không đi quá xa lập trường của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã cam kết không đàm phán các thỏa thuận thương mại mới trước khi đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà. Điều này cho thấy ông có thể không đi quá xa lập trường của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho rằng, bằng cách ký kết RCEP, các nước châu Á đã chứng minh được điều gì đó cho chính họ. 

Halley nói: “Thỏa thuận đã đạt được sau 8 năm đàm phán. Đây thực sự là một thành tựu khi có được sự thống nhất giữa một nhóm các quốc gia chênh lệch nhau. Điều này khiến châu Á - Thái Bình Dương trở nên có sự sống trên thế giới, dù có Mỹ hay không".

Tất nhiên, ngay cả khi chính phủ Mỹ giữ khoảng cách, các công ty Mỹ vẫn có thể hưởng lợi từ RCEP trong các hoạt động tại châu Á của mình.

4. Đây là một bước đột phá đối với Trung Quốc, Nhật Bản và cũng là giai đoạn tỏa sáng của ASEAN

Đặc biệt, đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, RCEP là một cột mốc quan trọng. Lần đầu tiên, ba nền kinh tế lớn của Đông Á sẽ được kết nối với nhau bằng một hiệp định thương mại tự do.

Cụ thể, thuế quan 86% đối với hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được xóa bỏ, tăng từ mức 8% hiện tại. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nhà sản xuất Nhật Bản, chẳng hạn như các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.

Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô Nhật Bản được cho là sẽ hưởng nhiều lợi ích khi hiệp định RCEP có hiệu lực. Ảnh: Reuters
Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô Nhật Bản được cho là sẽ hưởng nhiều lợi ích khi hiệp định RCEP có hiệu lực. Ảnh: Reuters

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng: "Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận cắt giảm thuế quan song phương lần đầu tiên, đánh dấu một bước đột phá lịch sử".

Cơ quan này cũng cho biết thêm, các nước đang tạo ra một môi trường "có lợi cho việc thúc đẩy tự do hóa thương mại ở mức độ cao trong khu vực".

Đối với ASEAN, khu vực này đã có thương mại tự do trong khối cũng như các giao dịch với các nước khác, do đó RCEP sẽ ít ảnh hưởng hơn đến thuế quan. Nhưng đây vẫn là một chiến thắng lớn cho hiệp hội.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, Chan Chun Sing, nói với các phóng viên hôm 15/11: "ASEAN đã đóng một vai trò quan trọng trong hành trình này. Sự lãnh đạo của khối với tư cách là một nhóm trung lập và đáng tin cậy đã cho phép các đối tác đến với nhau theo cách chưa từng có và hợp tác dưới sự bảo trợ của RCEP".

5. Vẫn còn những rào cản phía trước

Sau khi ký kết, các thành viên cá nhân vẫn cần phê chuẩn RCEP. Thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực sau khi ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN hoàn thành quá trình này. Do đó, có thể mất một khoảng thời gian, ngay cả ở những quốc gia phát triển nhanh.

Ông Chan của Singapore cho biết, ông hy vọng đất nước của mình sẽ phê chuẩn nó trong vài tháng tới. Trong khi đó, quá trình phê chuẩn RCEP của Indonesia sẽ bắt đầu bằng việc dịch một tài liệu dài. 

Imam Pambagyo, tổng giám đốc đàm phán thương mại quốc tế tại Bộ Thương mại Indonesia, nói với truyền thông vào hôm 15/11: "Hy vọng trong 2 tháng tới, chúng tôi có thể hoàn thành bản dịch để đệ trình lên Tổng thống và Quốc hội phê chuẩn".

Vẫn còn nhiều rào cản phía trước để hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực. Ảnh: Nikkei Asia
Vẫn còn nhiều rào cản phía trước để hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực. Ảnh: Nikkei Asia

Theo Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, một số quốc gia có thể mất nhiều năm để hoàn thành công việc.

"Việc phê chuẩn có thể sẽ khó khăn trong các nghị viện quốc gia, do cả tâm lý chống thương mại và chống Trung Quốc", ông nói trong một ghi chú phát hành hôm 16/11. 

"Đó sẽ là một trong những hậu quả không mong muốn của việc Trung Quốc nghiêng về chính sách đối ngoại tích cực hơn trong năm qua. Nó có thể kéo dài từ ít nhất vài tháng đến vài năm cho đến khi thỏa thuận có hiệu lực", ông Nick Marro cho biết thêm.

Nói cách khác, các thành viên RCEP có thể không gặt hái được những lợi ích nhanh chóng như họ mong đợi.

Một thách thức khác là Ấn Độ. Ban đầu, nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á tham gia vào các cuộc đàm phán nhưng đã rút lui vào năm ngoái. Lý do được đưa ra là Ấn Độ không muốn làm tổn thương các doanh nghiệp địa phương và nông dân của mình.

NHẬT SANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement