Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Covid-19 tái bùng phát, hàng không Việt xoay xở thế nào?

Doanh nghiệp

22/02/2021 10:25

Các hãng hàng không Việt đang tìm mọi cách để sống chung với dịch, chờ cơ hội phục hồi.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và chưa biết khi nào có thể kiểm soát, các hãng hàng không Việt đang tìm mọi cách để sống chung với dịch, chờ cơ hội phục hồi.

“Đổ bể” kế hoạch cao điểm Tết

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hãng hàng không đã lên kịch bản khá lạc quan với sản lượng vận chuyển dự tính tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 7,5 triệu khách trong giai đoạn tháng cao điểm Tết. Tuy nhiên, các kế hoạch này gần như “đổ bể” do dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Thống kê cho thấy, trong 7 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 10 - 16/2), tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam chỉ đạt 9.500 lần hạ cất cánh, giảm tới 43,4%; đạt hơn 815.000 hành khách, giảm 66,6%; 14.000 tấn hàng hóa, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020.

cdn-baogiaothong-vn_img-bgt-2021-phi-hanh-doan-va-hanh-khach-tren-cac-chuyen-bay-trong-mua-covid-phai-tuan-thu-chat-che-cac-quy-dinh-phong-dich-1613911039-width1280height853(1).jpg
Phi hành đoàn và hành khách trên các chuyến bay trong mùa Covid-19 phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng dịch.

Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được 408.000 khách, giảm gần 65% và 2.000 tấn hàng hóa, giảm hơn 54% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020.

Lượng khách qua 3 cảng hàng không quốc tế lớn trên cả nước cũng vì thế mà sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ đạt 256.000 lượt khách, giảm hơn 71%; với 3.400 lần hạ cất cánh, giảm 44,5%. CHK quốc tế Nội Bài đạt 1.900 lần hạ cất cánh, giảm hơn 51%; với tổng 136.000 lượt khách, giảm gần 75%. CHK quốc tế Đà Nẵng đạt 580 lần hạ cất cánh, giảm 73,8%, với 43 nghìn lượt khách, giảm 86,2% so với năm trước.

Trước đó, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong năm 2020, chịu tác động tiêu cực nhất của Covid-19 là Vietnam Airlines. Doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, lỗ tới 14.445 tỷ đồng.

Một đơn vị khác là TCT Cảng hàng không VN (ACV) cũng bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, kinh doanh tại các cảng hàng không sân bay sụt giảm. Cả năm 2020, doanh thu ACV ghi nhận 7.802 tỷ đồng, giảm 135%, lợi nhuận còn 1.712 tỷ đồng (chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng), giảm mạnh so với con số 8.214 tỷ đồng của năm 2019.

Tương tự, tình hình kinh doanh mảng cốt lõi là hàng không của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng kém khởi sắc. Cả năm 2020, VietJet Air ghi nhận lãi 70 tỷ đồng, giảm 54 lần so với năm 2019 chủ yếu nhờ vào việc thanh lý tài sản cố định và tài sản dài hạn khác.

Với hãng hàng không Bamboo Airway, mặc dù không công bố chi tiết kinh doanh ngành hàng không thiệt hại lên doanh thu của Tập đoàn FLC bao nhiêu phần trăm song ban lãnh đạo công ty cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí thuê tàu bay, dịch vụ mặt đất tăng cao dẫn dến lợi nhuận gộp giảm 221%, âm 3.246 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, nhờ đó lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận dương 183 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2019.

Xây dựng kịch bản sống chung với dịch

“Ứng phó với những diễn biến chưa từng có trong lịch sử, Vietnam Airlines đã xây dựng nhiều kịch bản thị trường, đưa ra nhiều giải pháp điều hành linh hoạt sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, rõ ràng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và tác động rất xấu đến kinh doanh vận tải hàng không”, đại diện Vietnam Airlines nói và cho rằng, với diễn diễn phức tạp của dịch bệnh trong nước, kịch bản lạc quan nhất phải đến năm 2023 Vietnam Airlines mới có thể có lãi trở lại.

cdn-baogiaothong-vn_img-bgt-2021-1-vietnam-airlines-da-bo-sung-them-cac-bien-phap-phong-dich-cho-nhung-chuyen-bay-di-tu-ha-noi-1613911019-width1280height784(1).jpg
Vietnam Airlines đã bổ sung thêm các biện pháp phòng dịch cho những chuyến bay đi từ Hà Nội.

Phía Vietjet, Giám đốc điều hành Đinh Việt Phương nhấn mạnh, hãng xác định phải chung sống với dịch bệnh và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Dùng từ “mắc kẹt” để nói về ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch, đặc biệt là giai đoạn từ Tết Nguyên đán đến nay, ông Phương cho biết: “Tình trạng chung của các hãng, không riêng gì Vietjet là giảm tải, giảm tuyến, giảm tần suất, con số này lên tới 40 - 50% chứ không ít. Ngay cả khi dịch trong nước được kiểm soát, hãng sẽ vẫn vô cùng khó khăn. Chỉ khi nào việc bay quốc tế phục hồi, mới nói chuyện có lãi, phát triển bền vững”.

Trước mắt, ông Phương mong muốn nhà chức trách có giải pháp để tăng slot ở 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất giúp các hãng có thể đưa thêm tàu, mở thêm tuyến đến đây. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ DN về vốn, thực chất là hỗ trợ về lãi suất. Có như vậy, các DN đang rất khó khăn mới có lực để phục hồi trở lại.

Cho rằng “không bất ngờ cũng không hề bị động với diễn biến của dịch bệnh, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên thẳng thắn: “Chúng tôi là hãng hàng không sinh ra trong dịch bệnh. Ngay từ khi đang “thai nghén” thì chúng tôi đã phải tính tới chuyện ứng phó, phát triển trong dịch bệnh như thế nào”.

Mặc dù vậy, ông Biên cũng thừa nhận đợt dịch lần này phức tạp hơn đợt bùng phát tại Đà Nẵng giữa năm ngoái. Cũng từ đây, lịch bay của hãng bị xáo trộn rất nhiều. Một lượng khách không nhỏ của Vietravel, chủ yếu là khách du lịch đã huỷ lịch trình. Để ứng phó, Vietravel đã nỗ lực tối đa linh hoạt lịch bay, đặc biệt là trên các đường bay đến các điểm du lịch.

Kiến nghị Chính phủ duy trì giải pháp hỗ trợ về thuế, phí

Nói về tương lai của DN hàng không trong năm 2021, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nhận định “sẽ rất khó khăn”. “Vấn đề sống còn của hàng không Việt là phải duy trì được thị trường nội địa. Muốn vậy thì dịch phải được kiểm soát rất tốt. Việc bay quốc tế sẽ chỉ được thực hiện từng bước”, ông Thắng nói và cho biết, Cục Hàng không VN, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ các DN hàng không về phí, thuế.

“Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, Chính phủ, Quốc hội cũng sẽ sớm chấp thuận các giải pháp này”, ông Thắng bày tỏ và cho rằng, việc hỗ trợ này không chỉ ở mức duy trì các DN hàng không tồn tại mà “như những người ốm, lúc mới ốm dậy cần được bồi bổ để có lực tiếp bước đường dài”.

Thanh Bình
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement