25/03/2021 07:23
Cô gái 9x Hà Nội và sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã
Với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ động vật hoang dã, Trang Nguyễn, cô gái trẻ Hà Nội, đã thành lập tổ chức hành động vì động vật WildAct.
Khi còn là một cô gái nhỏ, Trang Nguyen nhìn thấy con gấu bị đâm xuyên ngực bằng một cây kim khổng lồ tại nhà hàng xóm của cô. Khi đó, con gấu đang bị lấy mật, một chất lỏng được đồn thổi là có thể chữa được bệnh gan.
"Tôi từng thấy những du khách đến vườn thú Hà Nội và mang theo gậy để chọc phá con vật. Tôi thực sự không thể chấp nhận được điều này. Và đến khi tôi chứng kiến những gì xảy ra với con gấu, ý tưởng về việc bảo tồn động vật đã nhen nhóm trong lòng tôi", Trang Nguyen, người sáng lập nhóm bảo tồn WildAct, nói với AFP.
Đi theo tiếng gọi của các loài động vật
Đây là lần đầu tiên cô gặp nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trị giá hàng tỷ USD trên toàn cầu, tàn phá các loài trên toàn thế giới, thúc đẩy tham nhũng và đe dọa sức khỏe con người. Kể từ đó, cô dành phần lớn thời gian của mình để cố gắng chấm dứt tai họa này.
Năm 2019, Trang Nguyen, khi đó đã 31 tuổi, được BBC vinh danh là một trong những phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng nhất thế giới. Cô đã bí mật ở Nam Phi để giăng bẫy những kẻ buôn động vật và lấy bằng tiến sĩ về tác động của y học cổ truyền đối với động vật hoang dã.
Trang cũng đã thành lập khóa học sau đại học đầu tiên tại Việt Nam, dành cho các nhà bảo tồn có nguyện vọng, nhằm giúp nhiều người Việt Nam vươn lên hàng đầu trong lĩnh vực của cô.
Hiện tại, đã có nhiều nhà bảo tồn địa phương hơn, luật bảo vệ động vật hoang dã cũng được ban hành. Theo Education for Nature Vietnam, số lượng gấu bị nuôi nhốt để lấy mật đã giảm 90% trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không có nhận thức đúng khi tìm kiếm vừng tê giác, vảy tê giác,... để phục vụ cho lợi ích sức khỏe cá nhân. Và điều này dần trở thành biểu tượng thể hiện địa vị đối với một số tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh.
Thông qua các khóa học tại Đại học Vinh ở miền Trung và các chương trình cộng đồng tại các điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã, Trang đang cố gắng trao quyền cho người Việt Nam giải quyết những vấn đề này.
Trang hy vọng họ sẽ có tiếng nói lớn hơn trên toàn cầu về buôn bán trái phép động vật hoang dã và giúp hình thành chính sách.
Bên cạnh đó, Trang cũng mong muốn có nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực bảo tồn, một lĩnh vực mà trước nay vẫn do nam giới thống trị. Cô đã viết một cuốn sách để truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ.
Dựa trên câu chuyện cá nhân của Trang, cuốn sách "Saving Sorya" kể về câu chuyện của một nhà bảo tồn Việt Nam trong hành trình bảo vệ một chú gấu con được cứu sống trong môi trường hoang dã. Cuốn sách này đã được xuất bản bằng tiếng Việt, và sẽ ra mắt bằng tiếng Anh trong năm nay.
Hoạt động bí mật
Câu chuyện của chính Trang là những nỗ lực đáng được ghi nhận. Từ khi 8 tuổi, cô đã ngỏ lời đến các nhóm bảo tồn động vật hoang dã, với yêu cầu thực tập và học tiếng Anh.
Sau đó, cô đã giành được học bổng để học tập tại Anh, bao gồm cả bằng thạc sĩ về lãnh đạo bảo tồn tại Đại học Cambridge và thành lập WildAct vào giữa những năm 20 tuổi.
Những kẻ buôn bán động vật hoang dã đang phải ngồi tù nhờ những nỗ lực của cô. "Rất dễ dàng để tôi đóng vai một người mua các sản phẩm từ động vật hoang dã", cô nhớ về thời gian làm việc bí mật ở Nam Phi.
Theo mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã Traffic, có khoảng 3 con tê giác bị săn trộm ở đó mỗi ngày. Và cũng chính ở đó, cô đã học được rằng, buôn bán không có "trắng đen".
"Một người mà tôi biết đã bị bắt. Anh ta là một người nghèo bị bóc lột, và anh được yêu cầu phải đi giết con vật và trở thành người vận chuyển. Tôi thực sự cảm thấy rất buồn", Trang nói.
Trang nói, cô sẽ tiếp tục đấu tranh để thay đổi, nhưng cô cũng thừa nhận rằng phải mất một thời gian dài để thay đổi hành vi của mọi người.
"Đối với một số loài, mọi phương tiện ở thời điểm hiện tại có thể không đủ nhanh để cứu chúng".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp