13/07/2022 17:20
Chứng khoán hôm nay 13/7: VN-Index giảm nhẹ
Thị trường chứng khoán trở mình cuối phiên, VN-Index giảm 0,9 điểm còn 1.173,92 điểm.
Sau khi mở cửa phiên sáng nay le lói sắc xanh, thị trường đã quay trở lại trạng thái điều chỉnh nhẹ do áp lực gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là bộ ba GAS, VHM và VIC.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong khi nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân đối, chỉ số VN-Index nhích nhẹ nhờ diễn biến tích cực ở nhóm ngành tài chính.
Trong đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm với đầu tàu BVH là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 khi ghi nhận mức tăng hơn 4%, dao động quanh mức giá 58.300 – 58.400 đồng/CP, BMI tăng 2,5%, MIG tăng 3,7%, BIC tăng 1,1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch trong sắc xanh dù chưa có sự bứt tốc. Trong đó, cặp đôi VND và SSI vẫn là các mã giao dịch sôi động của thị trường khi thuộc top 5 thanh khoản cao nhất, đạt trên 6 triệu đơn vị, hiện cả 2 đều tăng nhẹ.
Ngoài chứng khoán, bảo hiểm, nhóm cổ phiếu khác trong ngành tài chính là ngân hàng cũng tăng nhẹ, đáng kể nhất là SHB tăng 3,3%, CTG tăng 2,33%.
Tuy nhiên, cặp đôi nhà Hoàng Anh Gia Lai HAG – HNG vẫn là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Trong khi HNG nhanh chóng tăng trần ngay đầu phiên với lượng dư mua trần tiếp tục chất đống 6-7 triệu đơn vị, thì HAG cũng có thời điểm khoe sắc tím và hiện đang tăng trên dưới 5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường khi HAG đạt hơn 11,5 triệu đơn vị, còn HNG đạt 8,85 triệu đơn vị.
Bên cạnh cặp đôi HAG-HNG, các mã vốn hóa nhỏ và các cổ phiếu thị trường tiếp tục hút được dòng tiền như IDI, SJF, DLG, ITA, HHV... hầu hết vẫn đang tiếp tục đà tăng điểm.
Thị trường giao dịch rung lắc và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên sáng, nhưng chỉ số VN-Index đã tạm dừng chân trên mốc tham chiếu nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Sang phiên giao dịch chiều nay, khối ngoại bán ròng mạnh với 559 tỷ đồng trên HOSE và gần 12 tỷ đồng trên HNX. Trên thị trường UPCOM, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hơn 7,72 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh như chứng chỉ quỹ FUEVFVND với hơn 226,2 tỷ đồng, tiếp đến VCB bị bán ròng gần 54 tỷ đồng, SSI bị bán ròng hơn 53 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch 13/7, VN-Index giảm 0,9 điểm còn 1.173,92 điểm, HNX-Index giảm 0,63 điểm xuống 281,39 điểm, UPCOM-Index tăng 0,31 điểm xuống 87,09 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 13.668 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước (12/7).
VN-Index cuối năm 2022 có thể đạt mức cao so với hiện tại
Theo ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, TTCK có nhiều tiềm năng tăng trưởng trở lại khi các yếu tố tích cực được duy trì, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô ổn định, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần sôi động trở lại.
Bên cạnh đó, TTCK còn có các yếu tố hỗ trợ mang đặc trưng riêng so với nhiều thị trường khu vực như kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh... Đây là những yếu tố có thể tạo ra lợi thế so sánh cho thị trường, thu hút vốn ngoại mạnh mẽ khi những khó khăn trên toàn cầu qua đi.
Không ít tổ chức đã đưa ra các đánh giá tích cực về TTCK giai đoạn cuối năm 2022. Chẳng hạn, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital (tháng 6/2022) cho rằng, với những yếu tố như hoạt động bán tháo do giải chấp kết thúc, các chương trình hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được triển khai tích cực, đặc biệt là tâm lý bi quan trên thị trường đã giảm bớt, thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay.
Trong khi đó, theo các kịch bản của Công ty Chứng khoán ACB (tháng 6/2022), VN-Index có khả năng sẽ đạt 1.450-1.900 điểm khi kết thúc năm 2022 (hiện tại, VN-Index đang ở dưới ngưỡng 1.200 điểm). Công ty Chứng khoán VNDirect thì đưa ra 2 kịch bản: Ở kịch bản cơ sở, VN-Index là 1.330 điểm, còn kịch bản tích cực là 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm 2022. Động lực tăng trưởng chính của TTCK được nhìn nhận sẽ đến từ các yếu tố vĩ mô và nội tại thị trường.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế được ban hành trong thời gian qua. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, cao hơn mức tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và mức tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 2,44% trong tháng 6 so với cùng kỳ (giảm nhẹ so với mức 2,55% của tháng 5).
Đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm 2022 có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% và có gần 40.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm trước.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (tháng 4/2022) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6% năm 2022 và 7,4% năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (tháng 4/2022) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (tháng 3/2022) cùng dự báo, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 6,5%. Theo đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, ổn định sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng của TTCK trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Thứ hai, TTCK Việt Nam đang được đánh giá là rẻ, với mức P/E dự phóng là 12,3 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 16,2 lần của các quốc gia đang phát triển trong khu vực ASEAN và thấp hơn nhiều so với trung bình 5 năm (16,3 lần) cũng như trung bình 10 năm (14,5 lần). Định giá thị trường rẻ khiến cơ hội đầu tư tốt hơn, đặc biệt là các khoản đầu tư trong trung và dài hạn. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện tại, dư nợ cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã giảm khoảng 20-30% so với cuối quý I/2022. Dư nợ ký quỹ giảm giúp áp lực bán giải chấp trên thị trường giảm theo. Hoạt động của thị trường dần trở nên công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, một số các quy định đã thực hiện theo hướng minh bạch hơn như việc yêu cầu các sở giao dịch công bố thông tin tự doanh của các công ty chứng khoán, đưa ra cảnh báo khi các mã chứng khoán có hiện tượng giao dịch bất thường, thay đổi cách tính giá thanh toán của hợp đồng phái sinh... Tuy nhiên, thị trường tài chính cuối năm dự kiến đối mặt với một số thách thức từ môi trường kinh tế, chính trị quốc tế như sự gia tăng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu, lạm phát chưa được kiểm soát...
Trong nước, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng, khi đó, chi phí vốn tăng, khả năng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp giảm; nợ xấu ở mức cao gây ra nguy cơ rủi ro cho thị trường ngân hàng; hệ thống giao dịch KRX, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) chưa được đưa vào vận hành, làm giảm hiệu quả vận hành của thị trường; khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell vào kỳ xét nâng hạng tháng 9/2022 chưa cao...
(Nguồn: ĐTCK/TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp