04/12/2021 06:54
Chưa phát hiện ca tử vong nào liên quan đến Omircon, WHO kêu gọi mọi người không nên hoảng sợ
Biến thể Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 38 quốc gia ở khắp các châu lục bao gồm châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và châu Âu và nó đã lan đến 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi, nơi nó được phát hiện lần đầu tiên.
Trước tình hình này, chính phủ của nhiều quốc gia đã thắt chặt các quy tắc đi lại nhằm hạn chế sự lây nhiễm của biến thể này.
Swaminathan cho biết, biến thể Omicron dường như “có khả năng lây truyền cao” và trích dẫn dữ liệu từ Nam Phi cho thấy số ca mắc bệnh tăng gấp đôi hàng ngày.
“Chúng ta nên lo lắng đến mức nào? Chúng ta cần phải chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ, bởi vì chúng ta đang ở trong một tình huống khác so với một năm trước trước đó. Biến thể Delta chiếm đến 99% các ca nhiễm trên khắp thế giới. Biến thể này sẽ phải dễ vượt trội hơn để có thể cạnh tranh để thống trị trên toàn thế giới. Điều đó có thể xảy ra, chúng ta không thể đoán trước được", bà nói.
Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron trong bối cảnh các khu vực ở châu Âu phải vật lộn đối phó với làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra.
WHO cho biết hôm thứ Sáu rằng, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về trường hợp tử vong liên quan đến biến thể Omicron.
Cũng trong hôm 3/12, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, cho biết không có bằng chứng nào chứng minh cho việc thay đổi vaccine cho phù hợp với biến thể Omicron.
“Hiện tại, chúng ta có vaccine hiệu quả cao và chúng đang phát huy tác dụng. Chúng ta cần tập trung vào việc phân phối chúng một cách công bằng hơn. Chúng ta cần tập trung vào việc tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao nhất”, ông Ryan nói.
Trong khi đó, người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier, nói trong một cuộc họp của Liên hợp quốc tại Geneva rằng, các nhà sản xuất vaccine nên chuẩn bị cho khả năng điều chỉnh sản phẩm của họ.
Ugur Sahin, Giám đốc điều hành của Germany’s BioNTech, cho biết công ty này có thể sẽ đưa ra những điều chỉnh phù hợp với biến thể một cách nhanh nhất, đồng thời cho rằng, các loại vaccine hiện tại nên tiếp tục được tiêm chủng vì chúng vẫn cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các đột biến.
“Về nguyên tắc, tôi tin rằng vào một thời điểm nhất định, chúng ta sẽ cần một loại vaccine mới chống lại biến thể này. Câu hỏi đặt ra là nó cần được cung cấp khẩn cấp như thế nào”, Sahin nói.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11 sau khi nó được xác định từ một mẫu bệnh phẩm thu được vào ngày 19/11.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 cho biết, có thể biến thể này đãhình thành vào tháng 11 và điều này có nghĩa rằng một số trường hợp sớm nhất có thể vẫn chưa được tìm thấy bên ngoài Nam Phi.
Số ca nhiễm COVID-19 đã lên đến 3 triệu ở Nam Phi vào thứ Sáu khi các ca nhiễm mới hàng ngày do biến thể Omicron tăng mạnh, các số liệu chính thức cho thấy.
Cụ thể, trong ngày 3/13, Nam Phi có thêm 16.055 trường hợp dương tính được phát hiện, nâng tổng số trường hợp được xác nhận là 3.004.203.
"Tỷ lệ dương tính đã tăng 24,3%", Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm do chính phủ điều hành cho biết trong một bản cập nhật hàng ngày.
Tỷ lệ tiêm chủng khác nhau giữa các quốc gia, nhưng có những khoảng cách đáng lo ngại ở các quốc gia nghèo hơn. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và từng là tâm chấn COVID-19 của châu Á, mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 35% dân số.
Người đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ ngày 3/12 cho biết, sự xuất hiện của Omicron là “bằng chứng cuối cùng” về sự nguy hiểm của tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trên khắp thế giới.
“Cộng đồng khoa học đã nhiều lần cảnh báo cộng đồng quốc tế về nguy cơ của các biến thể rất mới ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp”, Francesco Rocca, Chủ tịch Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nói với Hãng thông tấn AFP trong một cuộc phỏng vấn ở Moscow.
Khoảng 65% người dân ở các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm ít nhất một liều vaccine so với chỉ hơn 7% ở các nước thu nhập thấp, số liệu của Liên hợp quốc cho thấy.
Nhiều nhà khoa học cho biết, cách để ngăn chặn virus lây lan là đảm bảo các nước nghèo hơn được tiếp cận với vaccine chứ không phải tiêm vaccine tăng cường cho người dân ở các nước giàu hơn.
Tính đến thời điểm này, gần 264 triệu người đã nhiễm bệnh kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở miền Trung Trung Quốc vào cuối năm 2019 và 5,48 triệu người đã chết, theo một thống kê của Reuters.
Chủ đề liên quan
Advertisement