17/08/2021 06:40
Chủ tịch TP.HCM: Giãn cách thêm 1 tháng để đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất
Chúng ta phải quyết định kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất”, Chủ tịch TP.HCM nói.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 là đầy thách thức.
Đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất
Theo ông Nguyễn Thành Phong, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã ngấm sâu vào cộng đồng nhiều khu vực TP.HCM và một số tỉnh phía Nam với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khoẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng ta phải quyết định kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất”, ông Phong chia sẻ.
Khi áp dụng biện pháp giãn cách, cuộc sống của người dân gặp nhiều xáo trộn và khó khăn, TP mong nhân dân thông cảm, bình tĩnh và cùng cố gắng. TP hết sức thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn mà nhân dân phải đối mặt do dịch bệnh gây ra.
Những giải pháp chống dịch trong thời gian qua đã được cơ quan chuyên môn, chuyên gia đầu ngành tư vấn, góp ý và ban chỉ đạo các cấp từ thực tiễn điều chỉnh, hoàn thiện. Nhiệm vụ quan trọng bây giờ là khâu tổ chức thực hiện cho đồng bộ, xuyên suốt và liên tục, đảm bảo hiệu quả nhất.
Chìa khóa kiểm soát dịch là vaccine
Ông Phong cho biết, trọng tâm của TP.HCM hiện nay là cấp cứu kịp thời và giảm tử vong, không để xảy ra trường hợp chuyển nặng mà không được bệnh viện tiếp nhận, điều trị. Ông đề nghị địa phương phải đặc biệt lưu ý cung cấp cho F0, gia đình F0 danh sách số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh và danh sách các bác sĩ tư vấn trực tuyến.
TP.HCM cần phân công Tổ phản ứng nhanh theo từng hộ gia đình, kết nối, nắm bắt, theo dõi thường xuyên giữa Tổ phản ứng nhanh với tình hình sức khỏe của các F0. Các địa phương phải đảm bảo “thời gian vàng” trong cấp cứu và mọi cuộc gọi của F0 đều được tiếp nhận để ứng phó kịp thời.
"Chúng ta phải thực hiện thật tốt chương trình điều trị F0 tại nhà. Đây là lần đầu tiên TP.HCM triển khai mô hình này, mọi thứ đều rất mới, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó, các địa phương phải hết sức lưu ý khâu tổ chức thực hiện theo đúng quy định, không để lây nhiễm chéo trong gia đình có F0, không để F0 ra khỏi nhà", ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch TP giao Sở Y tế khẩn trương phối hợp Tổ chuyên gia tư vấn điều trị, Trung tâm điều phối cơ sở vật chất rà soát lại các cơ sở thu dung điều trị trên địa bàn, đảm bảo 4 nguyên tắc cốt lõi của điều trị là không để quá tải, phải đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và nhân lực; mỗi bộ phận phải có người theo dõi, kiểm tra, giám sát và quy trình để tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần nhanh chóng chuyển đổi các bệnh viện công lập và huy động thêm các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị theo mô hình bệnh viện tách đôi hoặc chuyển toàn bộ sang điều trị, trường hợp bệnh viện tư nhân không tiếp nhận ca nhiễm, lập biên bản và kiến nghị Bộ Y tế thu hồi giấy phép.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, chìa khóa để kiểm soát dịch vẫn là vaccine, việc bảo đảm tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine có ý nghĩa quyết định chiến lược trong phòng chống dịch từ bị động sang chủ động.
Ông Phong thông tin, TP.HCM đã chủ động việc mua vaccine từ sớm và Chính phủ chấp thuận nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung. Người đứng đầu chính quyền TP đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức phải tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vaccine đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp