10/10/2022 18:30
Chiến sự Nga - Ukraina leo thang dữ dội
Ngày 10/10, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa đã nhằm vào "nhiều" thành phố của Ukraina, trong đó bao gồm cả thủ đô Kiev, khiến người dân thiệt mạng và bị thương.
Động thái này xảy ra một ngày sau khi Moscow đổ lỗi cho Ukraina gây ra vụ nổ cây cầu nối Crimea với Nga.
Trên các trang mạng xã hội, Phó Chánh Văn phòng tổng thống Kyrylo Tymoshenko cho biết: "Ukraina đang bị tấn công bằng tên lửa. Hiện có thông tin về các vụ tấn công ở nhiều thành phố của đất nước chúng tôi". Ông đồng thời kêu gọi người dân 'ở lại các nơi trú ẩn'".
Tại Kiev, các phóng viên AFP đã nghe thấy một số tiếng nổ lớn bắt đầu vào khoảng 8h15 sáng theo giờ địa phương (05h15 GMT) - trong giờ cao điểm sáng 10/10. Trước đó, các cuộc tấn công cuối cùng của Nga nhằm vào thủ đô Kiev diễn ra vào hôm 26/6.
Người đứng đầu quân đội Ukraina cho biết các lực lượng Nga đã phóng ít nhất 75 tên lửa vào Ukraina trong sáng 10/10, với các cuộc tấn công chí mạng nhắm vào thủ đô Kiev và các thành phố ở miền Nam và miền Tây.
Tướng Valeriy Zaluzhny viết trên mạng xã hội: "Quốc gia khủng bố Nga đã tiến hành các cuộc không kích bằng tên lửa vào lãnh thổ Ukraina, đồng thời cũng sử dụng máy bay không người lái. Trong buổi sáng, quân xâm lược đã bắn 75 tên lửa. Trong số đó, 41 tên lửa đã bị phòng không của chúng ta bắn hạ".
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraina đã dàn dựng cái mà ông gọi là một vụ tấn công khủng bố vào một cây cầu quan trọng nối Nga và Crimea, trong bối cảnh ông đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 10/10 giữa những lời kêu gọi trả đũa.
Trước đó, vụ nổ hôm 8/10 trên cây cầu bắc qua Eo biển Kerch, tuyến đường tiếp tế chính cho lực lượng của Moscow ở miền Nam Ukraina, đã khiến các quan chức Ukraina đưa ra thông điệp vui mừng nhưng không tuyên bố nhận trách nhiệm.
Một vụ đánh bom xe tải hôm 8/10 đã gây ra một đám cháy lớn trên tuyến đường bộ và đường sắt giữa Nga và bán đảo Crimea, khiến 3 người thiệt mạng. Cây cầu này cũng mang tính biểu tượng cao. Ông Putin đã đích thân khánh thành công trình vào năm 2018 và Moscow đã duy trì tuyến huyết mạch an toàn bất chấp giao tranh.
Trong một video trên kênh Telegram của Điện Kremlin, ông Putin nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là một hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự cực kỳ quan trọng. Điều này do các cơ quan đặc nhiệm Ukraina nghĩ ra, thực hiện và ra lệnh".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết trước cuộc họp ngày 10/10 rằng Nga nên tiêu diệt "những kẻ khủng bố" chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công. Hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời ông Medvedev cho biết: "Nga chỉ có thể đáp trả tội ác này bằng cách trực tiếp tiêu diệt những kẻ khủng bố, cũng như thông lệ ở những nơi khác trên thế giới. Đây là điều mà người dân Nga mong đợi".
Sự tức giận của Putin về vụ tấn công bị tình nghi này bùng phát vào thời điểm ngày càng có nhiều lo ngại rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, sau khi ông Putin liên tục cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Nga đều có thể kích động phản ứng hạt nhân.
Ngày 9/10, ông Putin đã gặp Alexander Bastrykin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Nga, người đã trình bày kết quả điều tra về những gì ông nói là vụ nổ một chiếc xe và vụ cháy sau đó trên cây cầu. Bastrykin cho biết phương tiện này đã đi qua Bulgaria, Gruzia, Armenia, Bắc Ossetia và vùng Krasnodar của Nga trước khi đến cây cầu.
Phát biểu trong video trên kênh Telegram của Điện Kremlin, Bastrykin cho biết thêm rằng trong số những người đã giúp các đặc vụ của Ukraina chuẩn bị có "công dân của Nga và người nước ngoài".
Oleksandr Kovalenko, nhà phân tích quân sự và người đứng đầu trang web Information Resistance, nói với Espreso TV - đài truyền hình kỹ thuật số nổi tiếng ở Ukraina - rằng Nga có thể tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự sau vụ nổ trên cầu Crimea.
Ông nói: "Điều này có thể đồng nghĩa với các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các khu vực biên giới - vùng Sumy và Chernihiv. Nó cũng có thể đồng nghĩa với việc sử dụng tên lửa và máy bay không người lái Shahed-136 (do Iran sản xuất) để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Ukraina".
Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 10/10 từ chối bình luận về vụ nổ trên cầu qua eo biển Kerch nhưng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục vũ trang cho Ukraina. Kiev đã yêu cầu các lực lượng Nga rời bán đảo Crimea ở Biển Đen, cũng như lãnh thổ Ukraina mà họ đã chiếm giữ trong cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2/2022.
Ukraina đã chiếm lại hơn 1.170 km2 ở Kherson kể từ khi phát động cuộc phản công vào cuối tháng 8/2022, theo một phát ngôn viên quân đội cho biết hôm 10/10.
(Nguồn: Reuters/AFP)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp