10/07/2018 15:32
Chỉ số tiêu dùng tháng 6 tăng là do giá thịt heo
Theo Cục quản lý giá của Bộ tài chính, chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,61% là do giá thịt lợn tăng khoảng 0,34%.
Cổng thông tin Chính phủ dẫn thông tin từ ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm biến động tương đối sát với dự báo trước đó của các cơ quan liên quan. Theo đó, tại phiên họp ngày 29/5 của Ban Chỉ đạo, nhóm giúp việc dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,43- 0,85% và thực tế CPI tháng 6 chỉ tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt heo tăng trong đó khoảng 0,34%).
Chỉ số tiêu dùng tháng 6 tăng là do giá thịt heo tăng. |
Theo Cục Quản lý giá, các nhân tố gây tăng giá trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường, hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất hiện từ công tác điều hành của Chính phủ. Trước tình hình lạm phát có dấu hiệu tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm (giá thuốc, giá vật tư y tế thông qua đấu thầu), quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao,...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định lạm phát tháng 6/2018 không có gì bất thường. Nếu loại trừ yếu tố giá thịt heo tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, ở đây không có yếu tố lạm phát theo chu kỳ hay do điều hành vĩ mô. Chính phủ nhắc tới ảnh hưởng chu kỳ 10 năm là để dự phòng chứ không phải xác định để đối phó khi mà chúng ta đã có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn trong điều hành, tổ chức sản xuất.
Về chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết lãi suất cơ bản vẫn ở mức thấp (1,35%) và tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017, còn trong 6 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (7,88% so với 9,06%). Bên cạnh đó, cả nước đang xuất siêu 2,7 tỷ USD, thặng dư cán cân thanh toán lên tới 9 tỷ USD, lãi suất ổn định nên không phải là nguyên nhân làm tăng tỷ giá bất thường.
Đối với các loại giá hàng hoá quan trọng tác động tới lạm phát (thịt heo, xăng dầu, khí hoá lỏng, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, cước vận tải, viễn thông,...), các bộ, ngành cũng đã đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh cụ thể cho từng mặt hàng, trong từng tháng từ nay tới cuối năm để bảo đảm chỉ tiêu lạm phát.
Hai kịch bản điều hành giá trong 6 tháng cuối năm Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê đã đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng chỉ khoảng 4%. Cụ thể, với kịch bản 1, lạm phát cả năm 2018 dao động từ 3,7- 3,88%. Theo đó, ngay trong tháng 7, lạm phát sẽ giảm 0,2% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế sẽ giảm 0,34%, giá xăng dầu (nếu không điều chỉnh) sẽ giảm 1%, tuy nhiên có yếu tố tăng giá từ giá thịt lợn, điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá gas thế giới. Từ các tháng 8 cho tới tháng 12, lạm phát sẽ tăng so vói các tháng trước đó do việc tăng giá các mặt hàng thịt lợn, xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai,... Vẫn các yếu tố giá cả như trên nhưng ở mức tăng cao hơn thì kịch bản lạm phát bình quân của năm 2018 tăng so với năm 2017 là khoảng từ 3,9- 4%. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp