10/04/2024 11:32
Câu hỏi hóc búa dành cho các công ty tại Nigeria: Rời đi hay ở lại?
Được đánh giá là quốc gia có tiềm năng kinh tế lớn, với dân số đông nhất châu Phi, Nigeria vẫn là thị trường tương đối khó với nhiều 'gã khổng lồ' ngành tiêu dùng toàn cầu trong bối cảnh đồng nội tệ mất giá cùng nhiều thách thức khác.
Cơ hội nào?
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, các công ty đa quốc gia như Unilever và Nestlé vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển và đầu tư vào thị trường này.
Trong khi đó, nhiều công ty khác lại quyết định rời khỏi Nigeria, do quốc gia này đang gặp khủng hoảng tiền tệ, cùng với những thách thức mang tính dài hạn như tình trạng nghèo đói lan rộng, tham nhũng và chính sách lỏng lẻo của các cơ quan quản lý.
Với độ tuổi trung bình chỉ hơn 18, dân số Nigeria được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 400 triệu người vào năm 2050, vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có dân số lớn thứ ba trên thế giới, xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này càng cho thấy tiềm năng rõ rệt của thị trường tiêu dùng Nigeria.
"Các doanh nghiệp ngành bán lẻ thường nói đến lợi thế về dân số, nhưng thực tế cho thấy họ bị sốc trước những thách thức của đồng nội tệ", Achumile Mashalaba, chuyên gia phân tích tại công ty quản lý quỹ Ninety One, cho biết.
Đồng naira đã giảm khoảng 70% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 6/2023, thời điểm Tổng thống Bola Tinubu đưa ra thông báo ngân hàng trung ương sẽ không tiếp tục hỗ trợ đồng nội tệ bằng cách hạn chế mức độ tiếp cận của đồng bạc xanh.
Động thái này được cho là để giúp các doanh nghiệp hoạt động trong nước dễ dàng hơn. Thế nhưng, vẫn có nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận đồng USD từ ngân hàng trung ương để thanh toán hàng nhập khẩu hoặc chuyển lợi nhuận trong nước sang ngoại tệ mạnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt USD là do sản lượng dầu của Nigeria giảm mạnh khoảng 1/3 trong 15 năm qua. Trong khi đó, hơn 90% nguồn ngoại tệ của nước này đến từ việc xuất khẩu dầu.
'Thị trường của tương lai'
Để kiềm chế nhu cầu về USD và giảm thiểu rủi từ việc đồng naira mất giá, một số công ty đa quốc gia đã chọn cách cắt giảm hoạt động nhập khẩu, đồng thời tăng cường sử dụng nguyên liệu sản xuất nội địa.
Unilever Nigeria năm ngoái đã ngừng bán những sản phẩm có nguyên liệu cần nhập khẩu như bột giặt OMO, nước rửa chén Sunlight và xà phòng Lux. Thay vào đó, Unilever Nigeria tập trung vào những mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất và có nguồn cung sẵn trong nước như nước dùng Knorr và gia vị, cũng như các sản phẩm vệ sinh như Vaseline và kem đánh răng.
Điển hình như sản xuất kem đánh răng Pepsodent với sorbitol của Unilever Nigeria có nguồn gốc từ củ sắn Nigeria, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc. Sorbitol là chất dùng để làm ngọt, kết dính và ngăn ngừa kem đánh răng bị khô. Unilever đang mua 70% nguyên liệu trên khắp châu Phi, giúp giảm đáng kể nhu cầu về các đồng ngoại tệ.
"Nigeria là một thị trường tiềm năng trong tương lai. Nếu muốn phát triển, việc có mặt tại là Nigeria là điều chắc chắn phải làm", Tim Kleinebenne, Tổng Giám đốc Điều hành Unilever Nigeria, cho biết.
Guinness Nigeria - nhà sản xuất rượu mạnh có trụ sở tại London cũng sẽ ngừng nhập khẩu Johnnie Walker, Baileys và các loại rượu mạnh quốc tế cao cấp khác vào tháng này. Guinness sẽ tập trung vào các loại đồ uống được cho là phù hợp hơn với thị trường Nigeria, bao gồm Orijin - một loại đồ uống hỗn hợp có vị đắng có hương vị thảo mộc châu Phi và Snapp - một loại đồ uống có cồn có hương táo dành cho phụ nữ.
Guinness Nigeria quyết định loại bỏ một số sản phẩm nổi tiếng nhất của mình khỏi kho hàng sau khi ghi nhận khoản lỗ 18,2 tỷ naira trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/6, tương đương khoảng 23,9 triệu USD vào thời điểm đó, so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là do đồng tiền mất giá.
Ngoài Unilever, Nestlé Nigeria cũng đã làm việc với các nhà cung cấp địa phương trong thời gian qua để phát triển bột sắn chất lượng cao, nhằm thay thế bột ngô nhập khẩu, được sử dụng trong các sản phẩm nước dùng Maggi.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang xem xét việc đào tạo cho những người nông dân có khả năng cung cấp rau và gia vị sản xuất tại địa phương, như bột hành và nghệ, để sử dụng trong viên nước hầm Maggi và bột hương vị.
Từ bỏ
'Gã khổng lồ' về sản phẩm tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) - đối thủ của Nestlé và Unilever cũng đã đưa ra một lựa chọn khác. Công ty có trụ sở tại Mỹ này đã thông báo vào tháng 12 rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất cuối cùng đang hoạt động ở Nigeria, nơi sản xuất bột giặt và quay trở lại nhập khẩu tất cả các sản phẩm của mình.
Dumebi Oluwole, nhà kinh tế cấp cao tại Stears, một công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Lagos, cho biết: "Thực sự không có cách tiếp cận tốt nhất hiện nay. Các công ty chỉ đang cố gắng quản lý rủi ro của họ. Điều quan trọng ở đây là họ phải trụ vững và vượt qua cơn bão kinh tế này".
Oluwole nói rằng bằng cách chỉ nhập khẩu thành phẩm chứ không phải nguyên liệu thô, các công ty như P&G có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất với họ trong môi trường thị trường hiện tại, có thể là những mặt hàng thu hút thị trường thu nhập trung bình thấp rộng lớn.
Công ty dược phẩm GSK cho biết rằng công ty con địa phương của công ty đã hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Nigeria và GSK hiện dựa vào nhà phân phối World Wide Commercial Ventures để mua các sản phẩm GSK, chẳng hạn như vaccine ngừa vi rút u nhú ở người và viêm gan B, từ các địa điểm sản xuất và bán chúng cho các hiệu thuốc và bệnh viện ở Nigeria. Trước đây, GSK xử lý toàn bộ chuỗi cung ứng.
Khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ đôi khi dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vaccine GSK ở Nigeria. Người phát ngôn của GSK cho biết, nếu cơ cấu mới hoạt động như dự định, nó sẽ dẫn đến nguồn cung cấp các loại thuốc quan trọng này ổn định hơn.
Các công ty khác đang dần rút lui. Công ty con của Walmart ở châu Phi của Massmart đã đóng cửa 5 cửa hàng ở Nigeria vào cuối năm 2022 sau khi không tìm được người mua.
Các công ty dầu khí đa quốc gia cũng đang giảm dần hoạt động của họ ở Nigeria - có khả năng gây tổn hại thêm cho sản xuất dầu và nguồn ngoại tệ sẵn có. TotalEnergies vào tháng 2 đã trở thành công ty dầu mỏ mới nhất thông báo đang tìm cách bán các hoạt động khai thác dầu trên đất liền ở đồng bằng Niger, nơi nạn trộm cắp và phá hoại tràn lan đã dẫn đến sự cố tràn dầu, sửa chữa tốn kém và các vụ kiện chống lại các công ty phương Tây.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement