23/02/2021 17:15
Các tỉnh 'bế quan tỏa cảng' với Hải Dương là không đúng
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho rằng một số địa phương “bế quan toả cảng” với Hải Dương là không đúng, cần nhiên cứu các quy định để áp dụng đúng, tránh “ngăn sông cấm chợ”.
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch sáng 23/2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch.
Với tỉnh Hải Dương, Bộ đã làm việc với các nhà tiêu thụ lớn. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhưng đang gặp khó khăn trong khâu tổ chức lưu chuyển. Thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với Hải Dương.
Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải “quay đầu”. Điều này dẫn đến thực tế là hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, phải vứt bỏ, vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển được thức ăn đến để tiếp tục nuôi sống đàn; nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm.
Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo báo cáo của Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, tổng lượng nông sản của Hải Dương chưa tiêu thụ được còn 90.760 tấn, cụ thể 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.
Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc một số địa phương “bế quan toả cảng” là không đúng. Cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành văn bản quy định “hàng rào kỹ thuật”, để bảo đảm việc thông thương hàng hoá trong điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Ông Phu đề nghị các địa phương cần nhiên cứu quy định của trung ương đã ban hành để áp dụng đúng, tránh “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng tới sản xuất, dân sinh.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, hôm nay đã bước sang ngày thứ 7, Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; qua đó số lượng ca mắc đã giảm sâu, hoàn toàn làm chủ được tình hình tại các ‘điểm nóng’ Cẩm Giàng, Chí Linh.
Hải Dương đã nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày và hoàn toàn có thể nâng lên 120.000 mẫu/ngày (mẫu gộp) để tầm soát diện rộng trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực trong công tác phòng chống dịch của Hải Dương. Nhấn mạnh còn 1 tuần nữa hết giãn cách xã hội, đây là khoảng thời gian quan trọng, tỉnh cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Hải Dương tính toán cụ thể, khoa học trong việc xét nghiệm diện rộng cho công nhân các khu công nghiệp. Tỉnh cần xây dựng cỡ mẫu phù hợp, với đối tượng phù hợp, tập trung vào những nhóm, khu vực nguy cơ cao (bến xe, người buôn bán,…) để xét nghiệm tầm soát, bảo đảm vừa hiệu quả trong chống dịch, vừa hiệu quả về kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Hải Dương phải tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp nào, ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động, để tránh lãng phí.
Bởi hiện nay chi phí xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm COVID-19 cho công nhân mới được hoạt động, gây tốn kém chi phí, tạo tâm lý đã xét nghiệm rồi lại muốn xét nghiệm tiếp, đặc biệt rất nguy hiểm là tâm lý có kết quả âm tính rồi thì chủ quan, mất cảnh giác.
Tính từ ngày 28/1 đến 23/2, Bộ Y tế ghi nhận 625 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương tại 12/12 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hải Dương. Ổ dịch lớn nhất là TP. Chí Linh với 372 ca nhiễm. Huyện Cẩm Giàng 95 ca, Kinh Môn 61 ca, huyện Nam Sách và TP Hải Dương mỗi địa phương đang ghi nhận 34 ca.
Ổ dịch mới là huyện Kim Thành với 17 ca nhiễm. Các huyện Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Hà mỗi nơi có 3 ca. 3 huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện mỗi địa phương ghi nhận 1 ca nhiễm.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement