10/02/2023 17:42
Các kịch bản suy thoái kinh tế Mỹ
Bài phân tích đăng trên trang tin Bloomberg ngày 9/2 cho rằng năm 2022, kinh tế Mỹ đã chứng kiến suy thoái diễn ra lần lượt trên từng lĩnh vực thay vì "hạ cánh cứng" hay "hạ cánh mềm" như những dự báo trước đó.
Theo một số chuyên gia, kinh tế Mỹ năm 2022 không chuyển động theo 2 kịch bản thường thấy là "hạ cánh cứng" - chỉ một cuộc suy thoái toàn diện với hàng triệu người lao động thất nghiệp; hoặc "hạ cánh mềm"- phản ánh nền kinh tế suy giảm với tốc độ ổn định, lạm phát được kiểm soát song không ảnh hưởng mạnh tới thị trường lao động.
Thay vào đó, suy thoái diễn ra lần lượt trên từng lĩnh vực của nền kinh tế, song tổng thể nền kinh tế sẽ không sụp đổ và thị trường lao động nói chung vẫn sẽ giữ được động lực phát triển.
Đây được cho là kịch bản phù hợp nhất đoán về diễn biến của nền kinh tế Mỹ năm 2022, đặc biệt là kể từ khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3/2022 cho đến nay.
Cách tiếp cận trên cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ vượt qua đợt lạm phát tồi tệ nhất kể từ những năm 1970 mà không rơi vào trạng thái suy thoái toàn diện. Theo đó, suy thoái đã lần lượt diễn ra, bắt đầu từ lĩnh vực nhà ở, sản xuất và hiện tại đang là lĩnh vực công nghệ.
Một số ý kiến cho rằng các chỉ số tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế, vẫn ở mức tích cực đã góp phần giúp kinh tế Mỹ tránh được kịch bản suy thoái trên diện rộng hay trở nên tồi tệ hơn.
Trong năm 2022, người tiêu dùng Mỹ không gặp quá nhiều khó khăn trong chi tiêu dù giá năng lượng, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác đã tăng cao. Hai yếu tố quan trọng góp phần giúp chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ phục hồi và ổn định nhanh chóng bao gồm: giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, các hộ gia đình đã tích lũy được khoản tiền tiết kiệm đủ dùng cho giai đoạn lạm phát và thị trường việc làm luôn có nhu cầu tuyển dụng cao.
Về xu hướng tiếp theo của nền kinh tế, bài viết nêu rõ hiện có 2 kịch bản đang được các chuyên gia kinh tế quan tâm. Một mặt, nhiều ý kiến dự đoán tình trạng suy thoái lần lượt sẽ tiếp diễn và lan sang lĩnh vực dịch vụ, trong khi lĩnh vực nhà ở và sản xuất sẽ sớm hạ nhiệt, giúp FED đạt được tiến triển trong kiềm chế lạm phát mà không tác động quá nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ sẽ không "hạ cánh", là khi tăng trưởng kinh tế vẫn đi lên song song với lạm phát vẫn ở mức tăng cao. Kịch bản này được đưa ra trong bối cảnh các chỉ số việc làm Mỹ trong tháng 1/2023 vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với dự đoán.
Nếu kịch bản này đúng, FED sẽ buộc phải cân nhắc thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa và nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ thực sự rơi vào suy thoái.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp