07/05/2021 10:55
Các địa phương nỗ lực đối phó dịch COVID-19 như thế nào?
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức căng thẳng, các địa phương đang nỗ lực đối phó với nhiều biện pháp khác nhau.
Vĩnh Phúc: Cách ly xã hội TP Vĩnh Yên từ 0h ngày 7/5
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục có những diễn biến khó lường, tối 6/5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện cách ly xã hội toàn TP. Vĩnh Yên trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 7/5 đến 0h00 ngày 22/5 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo đó, thực hiện cách ly toàn TP. Vĩnh Yên đảm bảo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã/phường cách ly với xã/phường.
Mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động, theo Báo Chính phủ.
Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Bắc Ninh: Giãn cách xã hội từ 0h ngày 7/5
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức căng thẳng. Tại Bắc Ninh, từ 0h ngày 7/5 áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các huyện: Lương Tài, Thuận Thành, Tiên Du, thị xã Từ Sơn và TP Bắc Ninh, cụ thể:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện chưa cần thiết, nếu cần thiết phải tổ chức thì không được tập trung trên 20 người trong 1 phòng và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại nơi công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại nơi công cộng.
Dừng hoạt động sau cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND tỉnh gồm: Dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại chỗ (bao gồm cả ăn sáng); trừ các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn, uống phục vụ khách lưu trú; các dịch vụ giải khát, bao gồm cả các quán: Cà phê, quán trà đá, quán trà chanh...; Các dịch vụ ăn uống trong các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ dân sinh.
Tiếp tục dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động vui chơi, giải trí; cơ sở làm đẹp; karaoke; massage; xông hơi; rạp chiếu phim, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; các hình thức kinh doanh dịch vụ hoạt động như quán bar, vũ trường.
Tiếp tục tạm dừng tổ chức lễ khai mạc Đại hội thể dục, thể thao cấp xã, các giải thi đấu thể thao, hoạt động của các bể bơi; tạm dừng hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập Gym, Aerobic, Yoga...
Tiếp tục tạm dừng đón khách tại các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh; tạm dừng hoạt động, đóng cửa các khu, điểm du lịch. Dừng các tour du lịch đưa, đón khách từ tỉnh ngoài.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức họp trực tuyến, làm việc qua mạng Internet nhưng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc. Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là khi đi, đến các tỉnh, thành phố có dịch.
Đà Nẵng: Cấm phục vụ ăn tại chỗ từ 12h trưa 7/5
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Đà Nẵng quyết định cấm việc phục vụ ăn tại chỗ, thay vào đó chỉ được mua bán đồ ăn uống mang đi hoặc giao hàng online.
Cụ thể, bắt đầu từ 12h trưa 7/5 cho đến khi có thông báo mới, toàn thành phố Đà Nẵng tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống; chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng. Đà Nẵng cũng nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.
Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng có bản về việc tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19.
Từ 0h sáng 4/5, Đà Nẵng thông báo tạm dừng các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật; hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, quán bar, vũ trường, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm.
Ngoài ra, thành phố cũng dừng việc tổ chức ăn, uống tập thể tập trung quá 30 người; hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; hoạt động tắm biển cũng tạm dừng.
Hà Nội: Phong tỏa Bệnh viện K từ 5h30 sáng 7/5
Tại Hà Nội, sau khi ghi nhận 10 ca dương tính COVID-19 tại Bệnh viện K, lãnh đạo thành phố và Bộ Y tế đã đến kiểm tra, yêu cầu cách ly cả 3 cơ sở của bệnh viện gồm Quán Sứ, Tam Hiệp, Tân Triều từ 5h30 sáng 7/5. Toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sẽ ở lại trong viện, thực hiện cách ly y tế tại bệnh viện.
Đến hiện trường phong tỏa, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá nguy cơ ở Bệnh viện K phức tạp hơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì người bệnh đến từ khắp các tỉnh phía Bắc, theo VnExpress.
Ông yêu cầu chính quyền huyện Thanh Trì tăng chốt phong tỏa Bệnh viện K do nằm sát nhà dân, yêu cầu hàng quán xung quanh ngừng hoạt động. Trước mắt quận đảm bảo toàn bộ nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà. Bộ Y tế cần có kế hoạch phân luồng chi tiết.
Bộ Tư lệnh Thủ đô huy động lực lượng phòng hóa phun khử trùng. Hà Nội sẽ phối hợp chặt để truy vết thần tốc, nhưng đảm bảo chặt chẽ.
Hơn 8h sáng nay, tại Bệnh viện K cơ sở 3, Tân Triều, huyện Thanh Trì, barie cách ly cứng chăng kín cổng bệnh viện cùng thông báo: "Do tình hình COVID-19, tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân". Hàng rào cách ly được dựng lên ở cả hai cổng chính trên đường Phùng Hưng (Quốc lộ 70 cũ) và cổng sau ở đường Chu Văn An.
Thanh Hoá: Dừng các dịch vụ không thiết yếu kể từ 0 giờ ngày 7/5
Trước diễn biến phức tạp của dịch, bệnh COVID-19 tại nước ta, nhất là sau khi tỉnh Thanh Hóa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng sau một thời gian dài không có bệnh nhân mắc COVID-19, tối 6/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công điện số 02-CĐ/TU yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung công điện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng, UBND thành phố Thanh Hóa và các địa phương nơi ca dương tính Covid-19 đến, khẩn trương thực hiện truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly ngay đối với những người là F1, F2 của ca dương tính Covid-19; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng ở các khu vực liên quan đến ca dương tính Covid-19; trường hợp cần thiết thì thực hiện phong tỏa theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Quảng Ngãi: Giãn cách xã hội toàn tỉnh
Ngày 7/5, Quảng Ngãi đã phát đi thông báo khẩn về việc thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh để phòng chống Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu các ngành, địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng trên địa bàn kể từ 12h ngày 7/5 cho đến khi có thông báo mới.
Địa phương này cũng yêu cầu dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung (trên 20 người) tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa thật sự cần thiết. Tỉnh khuyến khích hoạt động các môn thể thao ngoài trời, không tiếp xúc gần.
Trước đó, Quảng Ngãi ghi nhận một ca mắc Covid-19 là bệnh nhân N.Đ.P. (nam, 25 tuổi, ngụ xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi). Sáng 6/5, UBND xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi đã phong tỏa 30 hộ với 211 khẩu ở xóm Vĩnh Long, thôn An Vĩnh. Đây là nơi sinh sống của bệnh nhân.
Ninh Bình: Tạm dừng đón du khách
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 tại các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là thực hiện thông điệp 5K; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tại nơi công cộng; không tụ tập đông người, hạn chế tổ chức các sự kiện, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm.
Ngoài các dịch vụ bị buộc tạm dừng hoạt động tại văn bản 220/UBND-VP6 ngày 2/5, tỉnh Ninh Bình yêu cầu tạm dừng các hoạt động phòng tập gym, phòng tập thể hình, phòng tập yoga, phòng tập nhảy - thẩm mỹ, câu lạc bộ bida, bể bơi; tạm dừng đón khách tại các khu, điểm du lịch, các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh; thực hiện các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng nội bộ. Thời gian thực hiện từ 06h00 ngày 07/5/2021 đến khi có thông báo mới.
Tiếp tục cập nhật...
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp