30/05/2017 06:02
Bỏ tập đoàn lớn để khởi nghiệp chăm sóc thú cưng ở Mỹ
Tốt nghiệp MBA, Trương Minh Thắng ở lại Mỹ để khởi nghiệp với dịch vụ chăm sóc thú cưng, chứ không tiếp tục công việc tại tập đoàn Colgate-Palmolive.
Nhận bằng MBA Haas School of Business, UC Berkeley và từng làm quản lý cho nhiều thương hiệu lớn như Unilever (Philippines), Mekong Enterprise Fund II, X-Men, HSBC chi nhánh Chicago (Mỹ)... Trương Minh Thắng ở lại Mỹ để khởi nghiệp chứ không tiếp tục công việc tại tập đoàn Colgate-Palmolive.
Thắng chia sẻ, trong thời điểm còn làm ở một công ty chăm sóc thú cưng thuộc Tập đoàn Colgate-Palmolive, anh nhận thấy những cơ hội kinh doanh rất hấp dẫn.
Mặc dù suy thoái kinh tế, doanh thu của ngành chăm sóc thú cưng mỗi năm vẫn đạt hơn 50 tỷ USD. Hiện nay thị trường Mỹ trong số 100 triệu hộ gia đình thì 70% hộ gia đình có chó mèo. Thế nhưng do quá cứng nhắc với mô hình truyền thống, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của ngành công nghiệp này.
Bên cạnh đó, các dịch vụ thuê bao kiểu như Internet, điện thoại bắt đầu lan sang nhiều ngành kinh doanh khác ở Mỹ. Đặc biệt là trong năm 2010, một doanh nghiệp ngành mỹ phẩm đã ứng dụng ngành thương mại điện tử dạng thuê bao khá thành công.
Anh Thắng đã nghĩ đến một sự kết hợp, giữa thương mại điện tử và dịch vụ chăm sóc thú cưng với nhiều cải tiến hơn. Đến khoảng 6/2012, anh đã sáng lập Pawalla.com. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên chuyên về thương mại điện tử dựa trên việc đăng ký hội viên, tập trung vào sản phẩm chăm sóc vật nuôi.
Chia sẽ những khó khăn ban đầu, anh Thắng kể: “Rời bỏ công việc lương cao tại một công ty lớn (Colgate Palmolive) để xây dựng sự nghiệp của riêng mình từ con số không tại Mỹ là một quyết định rất mạo hiểm. Nhưng mong muốn ý tưởng thành hiện thực đã che lấp hết những ước tính rủi ro của tôi. Ba người đồng sáng lập đầu tiên cùng với tôi đã quyết định từ bỏ và quay trở lại làm công việc trước đây”.
Sau đó, Thắng mất 5 tháng để thuyết phục thêm hai đồng sự người Mỹ khác cùng tham gia. “Việc một người châu Á thuyết phục chuyên gia người Mỹ trong ngành công nghệ ở Myspace, Target (dotcom) về làm cho mình quả là chuyện không tưởng.
Cũng vì thế, mỗi người tôi mất gần 3-5 tháng để thuyết phục, giới thiệu công ty và ý tưởng của mình. Cuối cùng, họ đã đồng ý chấp nhận từ bỏ những công việc tại các công ty tên tuổi lẫy lừng để làm việc ở mức 25% - 30% tiền lương trước đây của họ”, anh Thắng chia sẻ.
Khởi nghiệp bằng con số không
Có được nhân sự giỏi, nhưng khởi đầu của Pawalla.com cũng không dễ dàng vì thiếu tiền cho marketing. Sau cùng, Thắng chọn giải pháp tặng không sản phẩm cho các blogger chuyên viết về thú cưng.
“Đó là một ý tưởng quảng cáo thú vị, nhưng cũng là một sự liều lĩnh, bởi với những người viết blog họ hoàn toàn có quyền khen chê với sản phẩm, chúng tôi không thể can thiệp được. Nếu thời gian đầu họ chê các sản phẩm của chúng tôi chắc chắn công ty không thể tồn tại”, anh Thắng chia sẻ.
Thế nhưng, nhờ đầu tư khá tỉ mỹ từ vỏ hộp đến chất lượng, giá cả sản phẩm... dịch vụ của Pawalla.com được các blogger đánh giá cao.
Ngoài giới thiệu với cộng đồng của họ, những blogger nổi tiếng còn chia sẻ hàng trăm video clip trên youtube và mức độ lan truyền ngày càng mạnh. Sau đó Thắng phát tán thêm trên Facebook, Twitter và gửi sản phẩm đến những trang web chuyên viết về thú cưng. Chiến lược tiếp thị không tốn nhiều chi phí của Thắng tạo nên hiệu quả khá bất ngờ.
Ngoài giải pháp tiếp thị tốt, ý tưởng sản phẩm của Pawalla là điểm mấu chốt để thu hút người dùng. Theo đó, với mức giá khoảng 20-30 USD "thuê bao" mỗi tháng, Pawalla sẽ gửi đến gói thực phẩm gồm 4-9 món mới khác nhau dành cho thú cưng. Và món mới được sắp xếp một cách bất ngờ, hoàn toàn không có trong thực đơn.
Sau khi thú cưng dùng thử cảm thấy thích thì chủ nhân của chúng có thể đặt hàng thêm. Theo đó, thông qua một chuyên gia về dinh dưỡng, các sản phẩm giới thiệu cho khách được cân đông đo đem phù hợp với độ tuổi của vật nuôi.
Nói về các dự định của mình anh Thắng cho biết, công ty sẽ cố gắng phát triển ở thị trường Mỹ. Anh hy vọng đến năm 2014 sẽ có khoảng 30.000 thành viên là khách hàng thường xuyên. Sau đó anh sẽ hướng sang các thị trường có dịch vụ thú cưng lớn, theo đó có thể là Nhật và một vài nước châu Âu, xa hơn là có thể là Việt Nam khi thị trường này phù hợp.
Điều thú vị nhất ở Pawalla
Điều đặc biệt nhất ở Pawalla, ngoại trừ 4 cộng sự người Mỹ thì các kĩ sư thiết kế trang web, giải quyết các vấn đề về kĩ thuật thanh toán lại là những bạn trẻ người Việt ở Đà Nẵng. Anh Thắng đã xây dựng một đội ngũ gồm 3 kĩ sư có khả năng và kinh nghiệm điều hành trang web hoàn toàn tại Việt Nam. Theo anh Thắng, mặc dù Pawalla phục vụ người tiêu dùng Mỹ, trong thị trường Mỹ song lại có 100% nhà phát triển mạng đến từ Việt Nam. Đây là điều làm anh cảm thấy thú vị nhất.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp