20/08/2021 18:26
Bộ Quốc phòng điều quân hỗ trợ TP.HCM chống dịch
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, quân đội đang sẵn sàng triển khai lực lượng hỗ trợ TP.HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...
Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.
Cũng chia sẻ tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.
Các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành đồng tình với các nhóm giải pháp quyết liệt, triệt để trong phòng, chống dịch thời gian tới tại khu vực TP.HCM nhưng đặc biệt nhấn mạnh phải có kế hoạch chặt chẽ, chi tiết, khả thi về nguồn lực, nhân lực, vật lực, phương án áp dụng đối với các xã, phường, khu vực doanh nghiệp. Trong đó cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành, triển khai đồng bộ, phối hợp nhuần nhuyễn.
Theo VTC, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ ca nhiễm ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng rất cao.
Thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm, đẩy số ca nhiễm tăng cao.
Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án điều trị với các kịch bản số ca nhiễm cao. Mục tiêu là phải giảm tối đa số trường hợp tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế, hiện nay, các trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thiết lập đã đi vào hoạt động. Bộ đã ban hành hướng dẫn chi tiết các địa phương về kế hoạch xét nghiệm, căn cứ vào nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn; triển khai chương trình điều trị tổng hợp có kiểm soát tại nhà; thiết lập mô hình trạm y tế lưu động…
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn từ 15/8 đến 31/8 phải giảm tối đa trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.
Thành phố sẽ đánh giá nguy cơ dịch bệnh cụ thể tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để có chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, làm sạch, mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, để từ 1/9 đến 15/9 Thành phố sẽ duy trì kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng.
TP.HCM giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung thêm một số đối tượng nguy cơ cao…
Ngoài ra, TP.HCM đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện nay, đến cuối tháng 8, TP.HCM có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp