23/08/2022 11:35
Biển Đông 'bên bờ vực chiến tranh' nếu Nga thắng Ukraina
Trang mạng express của Anh ngày 22/8 dẫn lời một chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng Biển Đông sẽ đối diện với nguy cơ "bên bờ vực chiến tranh" khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "hành động" trong trường hợp Nga giành thắng lợi tại Ukraina.
Tiến sĩ John Callahan, cựu quan chức ngoại giao từng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hiện là cố vấn quân sự và chủ nhiệm khoa tại đại học New England College, nhận định cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan cũng như mức độ "hung hăng" của Bắc Kinh tại khu vực xung quanh hòn đảo và Biển Đông phụ thuộc vào khả năng Nga thành công trong cuộc chiến tại Ukraina.
Chuyên gia này đồng ý với đánh giá cho rằng khu vực xung quanh Đài Loan và Biển Đông đang ở trong giai đoạn căng thẳng lên cao nhất từ trước đến nay "do vấn đề Ukraina". Theo ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo dõi sát các diễn biến tại Ukraina và nhiều khả năng đã tấn công Đài Loan nếu như "Kiev thất thủ trong 3 ngày đầu".
Tiến sĩ Callahan giải thích: "Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình không phải mẫu lãnh đạo Trung Quốc kiên nhẫn như những người tiền nhiệm. Tôi cho rằng ông ấy là người muốn để lại dấu ấn của mình trong lịch sử. Đây là vấn đề có ý nghĩa cá nhân đối với ông ấy".
Dự báo chiến tranh Nga-Ukraina
Ngày 24/8 là tròn 6 tháng kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina" - một cuộc chiến tranh tàn khốc với những cuộc giao tranh hoặc những vụ pháo kích đẫm máu của Nga vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày.
Hãng tin AFP ngày 22/8 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến Ukraina đang bước vào giai đoạn sa lầy và có thể kéo dài nhiều năm, khiến cả Nga lẫn Ukraina kiệt quệ.
Ghi nhận đầu tiên của giới phân tích là sau nửa năm, cuộc chiến vẫn ác liệt và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy 2 bên có thể ngưng chiến, không bên nào chiếm được thế thượng phong trong lúc vẫn duy trì các lập trường cực kỳ xung khắc với nhau, khiến cho 2 bên chưa thể thỏa hiệp hay đàm phán hòa bình.
Theo bà Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình Wider Europe của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại ECFR - một tổ chức tư vấn, cuộc chiến Ukraina có thể "sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2023", khi 2 nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Nhà phân tích chính trị Nga Konstantin Kalachev cũng cho rằng xung đột có thể kéo dài "vài năm nữa". Theo chuyên gia này, "Nga đang thiếu quân và bị sa lầy", và Ukraina cũng vậy, "thiếu nhân lực để phản công và không có vũ khí tấn công hạng nặng".
Tình hình hiện nay là như vậy, nhưng sắp tới ra sao? Liệu người Ukraina có thể tiếp tục kháng cự thành công hay không, đặc biệt là trong bối cảnh mùa Đông sắp đến, với các khó khăn gia tăng do tình trạng mất điện và hệ thống sưởi bị cắt do thiếu nhiên liệu.
Theo bà Dumoulin, chính quyền Ukraina đang quyết tâm giành được một số chiến thắng, ít ra là về mặt chiến thuật từ nay đến khi mùa Đông tới bởi vì điều đó sẽ có tác dụng khích lệ tinh thần quân đội và dân chúng trong nước, đồng thời biện minh cho các yêu cầu trợ giúp gửi đến các đối tác phương Tây.
Ông Dimitri Minic, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI, cho rằng quân đội Ukraina hiện có 2 lợi thế: Có nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị của phương Tây, vốn hiện đại và có thể vượt trội hơn so với những gì quân đội Nga hiện sử dụng và có quân đội có tinh thần chiến đấu cao hơn. Theo chuyên gia này, cho đến nay, người dân Ukraina vẫn thể hiện sự đoàn kết, nghe theo chính quyền Ukraina, không bị dao động hay bất mãn trước chủ trương tiếp tục chiến đấu.
Về phía Nga, câu hỏi quan trọng nhất là họ có thể đối phó thế nào đối với liên minh của hầu như toàn khối phương Tây ủng hộ Ukraina và nhất là khối này đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga.
Về vấn đề này, ông Chris Weafer, người sáng lập công ty tư vấn Macro-Advisory, thẳng thắn khẳng định: "Nền kinh tế Nga hiện không bị khủng hoảng" và chính quyền Moskva vẫn có thể sử dụng được các nguồn thu ngân sách từ các chương trình kinh tế và công nghiệp để tài trợ cho quân đội hay các chương trình xã hội khác.
Tuy nhiên, bà Marie Dumoulin lưu ý tác động của các lệnh trừng phạt "đang bắt đầu được thấy rõ trong một số lĩnh vực nhất định" và những khó khăn sẽ được cảm nhận rõ hơn kể từ mùa thu này.
Vấn đề là khó khăn kinh tế sẽ không làm Nga chùn bước tại Ukraina. Bà Dumoulin nói: "Tôi không nghĩ rằng ông Putin sẽ từ bỏ cuộc chiến của mình chỉ vì hoạt động kinh tế đi xuống". Trong khi đó, chuyên gia Nga Kalachev lưu ý rằng "sự kiên nhẫn" của người Nga "lớn hơn nhiều so với của người châu Âu", và "nước Nga hy vọng sẽ giành thắng lợi trong một cuộc chiến tiêu hao".
Đối với bà Dumoulin, việc chiến tranh Ukraina bị sa lầy có nguy cơ gây thiệt hại cho Ukraina vì các đồng minh phương Tây của họ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi các chính phủ Âu-Mỹ phải đối phó với tâm lý bất mãn của người dân trong nước do tình trạng giá năng lượng và lương thực tăng vọt.
Chuyên gia Dumoulin nói: "Sẽ đến lúc Putin đặt cược vào sự mệt mỏi này của phương Tây và sẽ đưa ra các quyết định cởi mở hơn và khuyến khích giới lãnh đạo phương Tây gây áp lực lên Ukraina để chấm dứt xung đột, theo các điều kiện của Nga".
Thăm dò ý kiến
Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp