Biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương
30/08/2022 14:17
Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz Sharif đã phát biểu trên kênh truyền hình về quy mô của sự tàn phá do mưa lớn tiếp tục trút xuống Pakistan "không thể diễn tả bằng lời".
Hơn 33 triệu người, một trong bảy người Pakistan đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, phá hủy hoặc hư hại nặng gần một triệu ngôi nhà.
Theo cơ quan quản lý thiên tai của Pakistan, kể từ khi mưa gió mùa bắt đầu vào tháng 6, khoảng 810.000 ha cây trồng đã bị xóa sổ. Hơn 3.100km đường cũng đã bị phá hủy và ít nhất 149 cây cầu bị cuốn trôi.
Các quan chức cho biết lũ lụt năm nay có thể so sánh với năm 2010, mức tồi tệ nhất được ghi nhận với hơn 2.000 người chết và gần 1/5 diện tích đất nước chìm trong nước.
Nhà khoa học thời tiết và khí hậu, Phó giáo sư Koh Tieh Yong cho rằng cường độ của đợt gió mùa này có thể liên quan đến một đợt nắng nóng gay gắt không kém đã đốt cháy Ấn Độ vào đầu năm nay.
"Bắt đầu với đợt nắng nóng trên miền bắc Ấn Độ vào tháng 6. Cái nóng dữ dội bất thường tạo ra sự tương phản nhiệt độ rõ nét hơn từ Biển Ả Rập và theo thời gian, thúc đẩy hoàn lưu gió mùa mạnh hơn", PGS Koh, người từ Trường Khoa học và Công nghệ tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết.
"Do gió mùa được đẩy lên bởi dãy Himalaya dốc, lượng mưa lớn xảy ra khiến sông Indus ngập ở hạ lưu", PGS Koh giải thích.
Khung cảnh một khu vực ngập lụt từ trên đỉnh một cây cầu và những người dân mắc kẹt được sơ tán khỏi Charsadda ngày 27/8.
Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi trận mưa lớn hồi đầu tháng, gây ra lũ lụt trên diện rộng và làm mất điện ở một số khu vực của thủ đô Seoul.
Tổng thống Yoon Suk - yeol cho biết đây là trận mưa nhiều nhất mà đất nước từng chứng kiến trong ít nhất 115 năm.
Trong khi lượng mưa được cho là 'bất thường', Ít nhất 12 người chết và một số người mất tích.
"Chúng tôi có thể thấy lượng mưa kỷ lục mới với bất cứ lúc nào. Chúng tôi cần xây dựng phản ứng của mình để sẵn sàng cho một tình huống tồi tệ hơn chúng tôi tưởng tượng", Tổng thống Yoon Suk - yeol cho biết.
Người đi bộ băng qua những mảnh vỡ và đống ghế hư hỏng với một công nhân dọn dẹp cửa hàng của mình tại chợ Namseong ở quận Gangnam ngày 9/8.
Giáo sư Matthias Roth từ Khoa Địa lý tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Những sự kiện riêng lẻ này phù hợp với mô hình gia tăng các sự kiện cực đoan do biến đổi khí hậu".
"Thời tiết khắc nghiệt như vậy có thể sẽ trở thành hiện tượng bình thường mới trong một thế giới đang nóng lên", Giáo sư Roth cảnh báo.
"Một bầu không khí ấm hơn có thể chứa nhiều độ ẩm hơn, có nghĩa là thời tiết nóng và hạn hán có thể xảy ra, và mặt khác lượng mưa lớn hơn sẽ dẫn đến lũ lụt". Giáo sư Roth giải thích.
Đó là tình hình ở Trung Quốc, nơi một phần đất nước đã phải chịu đựng nhiều tuần nắng nóng khắc nghiệt, gây ra cháy rừng và hạn hán trước khi bị mưa vùi dập.
Các vùng đầm lầy ở miền nam Trung Quốc đã trải qua một đợt nắng nóng đi vào sử sách trong tháng này khi khu vực này ghi nhận khoảng thời gian nhiệt độ cao liên tục dài nhất trong hơn 60 năm qua.
Các chuyên gia cho biết cường độ, phạm vi và thời gian của đợt nắng nóng có thể khiến nó trở thành một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử toàn cầu.
Lưu vực sông Dương Tử, trải dài từ duyên hải Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên, đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nắng nóng với mực nước giảm mạnh.
Đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến 370 triệu người sống gần lưu vực và một số trung tâm sản xuất bao gồm cả siêu đô thị Trùng Khánh.
Tuy nhiên, Tứ Xuyên và Trùng Khánh đã được cứu trợ từ đợt nắng nóng do mưa lớn vào Chủ nhật, dự báo sẽ kéo dài sang thứ Ba và khiến chính phủ phải bắt đầu ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn chặn lũ lụt.
PGS Koh, nhà khoa học thời tiết và khí hậu, đã liên hệ trận đại hồng thủy ở Hàn Quốc với đợt nắng nóng ở Trung Quốc và dẫn đến tình trạng thiếu điện ở nước này.
Ở Hàn Quốc, lượng mưa lớn bất thường xảy ra, nơi không khí ẩm, nóng được nâng lên trên không khí mát.
Ông nói: "Không khí nóng thổi vào từ Trung Quốc, nơi nó đã hút hơi ẩm từ đất liền như một đợt nắng nóng làm tăng bốc hơi bề mặt trước đó".
"Cùng lúc này, mực nước ở các sông và đập giảm gây ra hạn hán ở miền nam Trung Quốc" và các đập phát điện ngừng hoạt động sau khi mất quá nhiều nước.
PGS Koh cho biết: "Vào thời điểm tiêu thụ điện năng cao nhất do nhiều người bật điều hòa nhiệt độ hơn".
Ông giải thích khi các hệ thống thời tiết trực diện như vậy xảy ra liên tiếp như "sóng vỗ trên bãi biển", miền nam Trung Quốc đang hứng chịu mưa lớn giống như Hàn Quốc vào hồi đầu tháng.
PGS Koh cho biết khi khí hậu toàn cầu diễn biến khó lường, "Thời tiết có khả năng tăng cường và di chuyển chậm hơn, mang lại lượng mưa lớn hơn và các đợt nắng nóng gay gắt kèm hạn hán kéo dài".
(Nguồn: CNA)
Tin liên quan
Advertisement