16/08/2022 21:04
Hình ảnh chiếc máy bay sắp bàn giao cho IPP Air Cargo
Ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, 3 chiếc máy bay khác hiện đang được lắp ráp và dự kiến xuất xưởng vào cuối năm nay.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết một chiếc máy bay của IPP Air Cargo đã được xuất xưởng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được vận chuyển về Việt Nam vì đang chờ OAC (chứng chỉ khai thác máy bay) từ Cục Hàng không, theo Zing.
Ông cũng cho biết hiện 3 chiếc máy bay khác đang được lắp ráp và dự kiến xuất xưởng vào cuối năm nay.
"Điều này thể hiện 'người thật, việc thật' và chứng minh quyết tâm của tôi trong việc xây dựng IPP Air Cargo. Tôi rất nôn nóng được cấp phép nhưng vẫn chờ và chấp nhận làm theo quy định của các bộ, ngành".
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Chủng loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.
Mạng đường bay nội địa mà IPP Air Cargo kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Pleiku), Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.
Qua thẩm định, Cục Hàng không đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hóa của IPP Air Cargo là phù hợp với các quy định của nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không. Việc xem xét thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hóa vào thời điểm này là phù hợp.
Trước đó vào tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã báo cáo Thủ tướng về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của Công ty CP IPP Air Cargo.
Thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 đạt 11% thị phần hàng hóa quốc tế. Hiện có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
"Thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3-4 lần. Thậm chí, có thời điểm, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch COVID-19", Bộ GTVT thông tin.
Do đó, cơ quan này nhận định IPP Air Cargo ra đời sẽ mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện, Việt Nam đang có 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - bao gồm VASCO, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines) khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng, theo Dân Việt.
Tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hóa quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp