22/01/2024 16:47
'Bí quyết' gì giúp Việt Nam phát triển phi thường?
Theo đài Sputnik, Việt Nam ngày nay được đánh giá là một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường hoặc nước lớn. Làm thế nào để Việt Nam thành công đạt được vị trí này?
Điều gì đã đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, thậm chí là phi thường như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực?
Trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group trước thềm chuyến thăm chính thức Romania từ 20-22/1, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khái quát nhiều vấn đề đáng lưu ý và nhấn mạnh, gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã tăng hơn 53 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 28 lần. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 60% vào đầu những năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023.
Việt Nam đã hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển. Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.
Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, xuất siêu 28 tỷ USD; thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trên 32%. Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo đảm vững chắc an ninh lượng thực trong nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh lượng thực toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo – mức cao nhất từ trước đến nay.
Về kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 bài học: Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do dân và vì dân, lấy dân làm trung tâm, là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển.
Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiết lộ "bí quyết" Việt Nam có thể kết hợp được lý tưởng Cộng sản với một số quy luật của kinh tế thị trường. Theo đó, ông nhấn mạnh việc nắm vững Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Thủ tướng dẫn chứng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng trên 32% so với năm 2022 trong điều kiện thế giới rất khó khăn là minh chứng thể hiện rõ sự hấp dẫn của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Đằng sau thành công của Việt Nam
Việt Nam ngày nay là một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường hoặc nước lớn. Làm thế nào để Việt Nam thành công đạt được vị trí này?
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại sự thật lịch sử rằng, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh, do đó Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. "Bí quyết" để đạt được những thành tựu quan trọng này, trước hết là nhờ có chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kế thừa, phát huy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".
Thủ tướng Phạm Minh Chính giải thích, vững ở gốc là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. Chắc ở thân là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao. Uyển chuyển ở cành là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo trong triển khai công tác đối ngoại.
Cùng với đó, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không" đã góp phần để Việt Nam có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chính sách "bốn không" của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement