05/09/2021 12:36
Ba nhóm người dân, doanh nghiệp ở Hà Nội phải làm lại giấy đi đường
Công an TP Hà Nội ra thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường tại vùng đỏ, quy định rõ 3 nhóm đối tượng phải làm lại giấy đi đường là nhóm 2, 5, 6.
Sáng 5/9, Công an TP Hà Nội ra thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường mã QR, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng 1 (vùng đỏ) theo 6 nhóm đối tượng.
Trong đó, 3 nhóm đối tượng phải làm lại giấy đi đường là nhóm 2, nhóm 5 và nhóm 6.
Nhóm 2 là các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu cấp cho cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu sẽ do Phòng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường.
Để được cấp giấy đi đường, các đơn vị cử đại diện làm việc với cơ quan quản lý để cung cấp danh sách người lao động, lái xe (ôtô và xe máy) theo biểu mẫu của công an. Sau đó, cơ quan chủ quản tổng hợp danh sách theo biểu mẫu rồi gửi Phòng CSGT qua thư điện tử xác thực trên hệ thống.
Sau khi Phòng CSGT duyệt cấp, giấy đi đường dành cho người đi ô tô được gửi qua thư điện tử cho cơ quan chủ quản chuyển đến tổ chức, cá nhân tự in.
Đối với giấy đi đường có mã nhận diện cho người đi xe máy, Phòng CSGT in, ký, đóng dấu và gửi tới cơ quan chủ quản để gửi trả cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu được phê duyệt.
Nhóm 5 là người đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc, hàng thiết yếu sẽ được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cấp thẻ mua hàng.
Người đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện không áp dụng giấy đi đường. Họ chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân.
Đối với trường hợp đi sân bay theo vé, cá nhân đến các cơ quan ngoại giao hay tòa án theo giấy hẹn cũng không áp dụng giấy đi đường. Cá nhân chỉ cần mang giấy tờ chứng minh kèm căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân và phiếu xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ.
Nhóm 6 là cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp giấy đi đường cho nhóm này thuộc về công an xã, phường, thị trấn.
Cụ thể, các đơn vị sẽ cử đại diện làm việc trực tiếp với công an để cung cấp thông tin, email và xác thực email trên hệ thống. Tiếp đó, thủ trưởng đơn vị lập danh sách cán bộ, nhân viên theo biểu mẫu của công an gửi về UBND xã, phường, thị trấn qua email. UBND duyệt danh sách cấp giấy và chuyển công an cùng cấp ký, đóng dấu. Cuối cùng, công an xã, phường, thị trấn trực tiếp gửi giấy đi đường cho các cơ quan, tổ chức.
Nhóm 1, 3, 4 là cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội; cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động trực tiếp tham gia phòng chống dịch; cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông.
Giấy đi đường của 3 nhóm này vẫn do thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo quy định của Chỉ thị số 16 như hiện nay.
Hiện Công an Thành phố đã đăng tải các hệ thống biểu mẫu trên Cổng Thông tin điện tử TP Hà Nội, Cổng giao tiếp thành phố và Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố.
Cơ quan chức năng đề nghị cá nhân sau khi được cấp giấy đi đường và thẻ đi mua hàng thiết yếu cần chủ động khai báo y tế qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi ra đường.
Công an TP Hà Nội lập đường dây nóng 069.2194.299. để giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc cấp giấy đi đường.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement