15/12/2023 14:36
Ấn Độ và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu với nhà sản xuất Nhật Bản
Ấn Độ dẫn đầu trong một cuộc khảo sát với các công ty sản xuất Nhật Bản như điểm đến đầy hứa hẹn để phát triển kinh doanh, khi Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ ba sau Việt Nam.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã công bố kết quả cuộc khảo sát hôm thứ Năm, từ phản hồi của 534 nhà sản xuất trong các lĩnh vực như ô tô, hóa chất và điện tử.
Khi được hỏi về những quốc gia có triển vọng phát triển trong trung hạn, Ấn Độ đứng đầu với 48,6% với lý do phổ biến nhất là tiềm năng tăng trưởng của thị trường địa phương.
Shinichi Itagaki, giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược của JBIC, trích dẫn "sự xấu đi của môi trường đầu tư của Trung Quốc" góp phần vào thành tích mạnh mẽ của Ấn Độ trong cuộc khảo sát. Ông cũng ghi nhận sự tăng trưởng dân số và cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia Nam Á này.
Chỉ 28,4% công ty đánh giá Trung Quốc là có triển vọng, mức điểm thấp nhất từ trước đến nay. Quốc gia này luôn xếp nhất nhì trong cuộc khảo sát hàng năm kể từ 2015. Căng thẳng ngày càng gia tăng của Trung Quốc với Mỹ, suy thoái kinh tế và việc tăng cường luật chống gián điệp là những yếu tố góp phần làm các nhà sản xuất e dè.
Việt Nam tăng từ vị trí thứ 4 lên ngôi thứ 2, với tỷ lệ 30,1%, nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ lực lượng lao động rẻ nhưng có tay nghề cao. Mặc dù mức lương cơ sở ở địa phương tăng lên hàng năm nhưng các công ty Nhật Bản vẫn tỏ ra không mấy lo ngại về chi phí lao động, Itagaki nói.
Nhiều chính quyền địa phương của Nhật Bản, trong đó có các tỉnh Gunma, Shiga và Tochigi, đã cử phái đoàn đến Việt Nam trong năm nay. Các công ty sản xuất chiếm đa số trong phái đoàn.
Trong kết quả khảo sát được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố hồi tháng 11, có tới 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam dự định mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.
JETRO cho biết, sau khi khảo sát 849 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, "động lực mở rộng kinh doanh" vẫn mạnh. Trong số này, nếu tính theo ngành, tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế tạo cho biết sẽ mở rộng là 47,1%, còn với ngành phi chế tạo, con số là 65,5%.
Tuy nhiên, dù kết quả của các cuộc khảo sát là tích cực, nhưng có một sự thật là, tình hình có vẻ không được như kỳ vọng. Tỷ lệ công ty có kế hoạch đầu tư cụ thể ở Việt Nam lại thấp hơn ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Có nhiều lý do khiến dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang chậm lại đáng kể. Sự thận trọng của nhà đầu tư Nhật Bản, những khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản là những nguyên nhân hàng đầu.
Hiện tại, Việt Nam dường như được coi là điểm đến tiềm năng hàng đầu để chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc.
Năm 2023 là năm đánh dấu một sự kiện đặc biệt Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Nhật Bản và Việt Nam vẫn duy trì tư cách là đối tác chiến lược quan trọng và không ngừng củng cố mối quan hệ đối tác tốt đẹp này trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các nền kinh tế, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nhấn mạnh những chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, đầu tư tại Việt Nam.
Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau là minh chứng rõ nét nhất.
(Nguồn: Nikkei Asia)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement