23/03/2024 08:37
Airbus giành đơn hàng máy bay lớn ở châu Á, khi Boeing đang 'đốt' tiền cho loạt sự cố
Airbus bán được hơn 60 máy bay cho hai hãng hàng không Nhật Bản, Hàn Quốc, trong bối cảnh đối thủ Boeing quay cuồng với loạt sự cố.
Hãng máy bay Nhật Bản Japan Airlines (JAL) cho biết sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 chiếc thân hẹp A321neo từ Airbus. Đây là lần đầu tiên Airbus bán máy bay thân hẹp cho JAL - khách hàng lâu năm của Boeing.
Đơn hàng từ hãng hàng không lớn nhì Nhật Bản sẽ cho phép Airbus tăng hiện diện tại đây. Dù vậy, JAL cũng cho biết sẽ mua 10 chiếc Boeing 787 Dreamliner.
Hãng bay lớn nhất Hàn Quốc Korean Air hôm qua cũng thông báo đặt hàng 33 chiếc A350, tổng trị giá 13,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên họ mua loại máy bay này.
JAL cho biết họ đang đặt thêm nhiều máy bay tiết kiệm nhiên liệu thế hệ mới, trong bối cảnh tình trạng thiếu máy bay toàn cầu còn kéo dài. Korean Air thì giải thích đơn hàng này phục vụ kế hoạch dài hạn, khi đội máy bay cũ khó đáp ứng mục tiêu về phát triển bền vững.
"Điều này cho thấy nhu cầu máy bay thân hẹp vẫn lớn, đặc biệt là từ các hãng bay châu Á và Trung Đông. Xu hướng này kéo dài từ năm 2023 đến nay", Rob Stallard - nhà phân tích tại Vertical Research Partners nhận xét.
Airbus đang tăng thị phần máy bay thân hẹp trong bối cảnh đối thủ Boeing quay cuồng trong khủng hoảng của dòng 737 MAX. Dòng máy bay này đã gặp hai tai nạn năm 2018 và 2019. Sau sự cố máy bay Alaska Airlines bung cửa hôm 5/1, Boeing đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra về quản lý chất lượng và an toàn. Hoạt động sản xuất của họ cũng bị giới chức hạn chế.
Brian West - Giám đốc tài chính của Boeing cho biết, việc khủng hoảng hoạt động sản xuất dòng máy bay 737 Max khiến nhà sản xuất "đốt" nhiều tiền hơn dự kiến. Điều này khiến doanh nghiệp cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu tài chính quan trọng trong những năm tới.
Brian West chia sẻ rằng khoản tiền mặt mà Boeing thiệt hại trong quý đầu tiên năm nay sẽ vào khoảng từ 4-4,5 tỷ USD, cao hơn mức họ dự kiến vào tháng 1.
Boeing đang cố gắng kiểm soát các vấn đề an toàn sau vụ rơi cửa trên không vào ngày 5/1 trên chiếc máy bay 737 Max-9. Sau sự cố, các hãng hàng không phải vật lộn vì nhận tàu bay muộn, không đủ cung cấp theo nhu cầu của hành khách.
Đơn đặt hàng tồn đọng đang khiến ban giám đốc điều hành các hãng hàng không nản lòng. Nhiều nhà khai khác đã bắt đầu cắt giảm chặng bay và đang cố gắng mua thêm phương tiện để đáp ứng nhu cầu.
Việc sản lượng chững lại, áp lực về vốn lưu động đang ảnh hưởng đến dòng tiền tự do của Boeing. Nhà sản xuất sẽ cần thêm thời gian đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2022 với dòng tiền hàng năm khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn năm 2025-2026.
Boeing cho biết hãng này hiện có 65% thị phần tại Đông Bắc Á. "Chúng tôi đánh giá cao việc Japan Airlines vẫn tin tưởng vào 787 Dreamliner - dòng máy bay thân rộng chở khách được ưa chuộng nhất lịch sử hàng không", Boeing viết trong một thông báo.
Đặc biệt, biên lợi nhuận mảng máy bay thương mại của Boeing có thể âm 20% trong quý 1 năm nay do phải bồi thường cho đối tác vì giao trễ. Dù tỷ lệ này sẽ dần cải thiện nhưng tình hình sẽ khó khả quan trong năm nay.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/3, cổ phiếu Boeing giảm 2,3%. Từ đầu năm, mã của doanh nghiệp bốc hơi 25%.
Sau sự cố máy bay Boeing 737 Max-9 của hãng hàng không Alaska Airlines rơi cửa ở độ cao hơn 4.800m diễn ra ngày 5/1, hoạt động động sản xuất của doanh nghiệp này bị Cục Hàng không Mỹ thắt chặt. Điều này ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của nhà sản xuất.
Hai tháng đầu năm, Boeing chỉ nhận 18 đơn hàng máy bay, trong khi mức trung bình năm ngoái đạt 121 đơn/tháng. Đặc biệt, tháng 1 trở thành khoảng thời gian nhà sản xuất có có kết quả kinh doanh kém nhất kể từ sau COVID-19 với 3 đơn hàng.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp