20/10/2023 11:19
9 tháng đầu năm, lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái
Số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ do nhiều nguyên nhân.
Trong 9 tháng năm 2023, cả nước đã có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó hơn 772.000 người có quyết định hưởng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong 9 tháng qua vẫn còn chịu tác động của hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.
Trong đó, phần lớn số bị ảnh hưởng thuộc khối thâm dụng lao động trong các khu vực dệt may, da giày, đồ gỗ…, đã khiến số lao động bị giảm việc làm, mất việc gia tăng.
Mất việc, không có thu nhập, và quyết định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lựa chọn của nhiều người lao động trong bối cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, nhờ chính sách mở rộng đối tượng đã có những tác động nhất định khiến cho số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng, tính đến hết tháng 9 là khoảng 14,3 triệu người, kéo theo số người được thụ hưởng chế độ này cũng tăng lên. Ước thực hiện cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%.
Theo ông Thanh, thực tế số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ tăng mạnh nhất là ở những tháng đầu năm, do có nhiều lao động bị mất việc từ trước Tết, sau Tết vẫn là thời điểm trong thời hạn 3 tháng để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên kéo theo số người hưởng tăng.
Mặc dù số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, song các chuyên gia đánh giá không quá lo ngại, bởi tỷ lệ thất nghiệp chung vẫn trong tầm kiểm soát.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị cũng duy trì tương đối ổn định, năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19) là 3,11%, năm 2020 là 3,88%, năm 2021 trong điều kiện giãn cách xã hội, sản xuất kinh doanh đình trệ khiến tỷ lệ này tăng lên 4,42%. Tuy nhiên, đến năm 2022 giảm xuống còn 2,6%. Và 9 tháng năm 2023 là 2,73%.
Tại TP.HCM, 9 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 242.812 lượt người (đạt 80,7% kế hoạch). Trong đó, số chỗ việc làm mới là 107.368 (đạt 76,69% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,24%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,3%. Tuy nhiên, số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng.
Cụ thể, TP.HCM đã tiếp nhận 166.266 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 112.067 người lao động. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 10.323 người, tỷ lệ tăng 9,74%.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động dự báo quý 4/2023, kinh tế - xã hội TP.HCM đã đạt một số kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Mặt khác, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu được đẩy mạnh, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, tết nên cũng sẽ góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm, cần nhiều lao động với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nguồn nhân lực dồi dào, theo VnEconomy.
Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức…
Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm đơn hàng, giảm việc làm tại một số ngành nghề. Từ đó, tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Hiện mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, trong đó, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở với người lao động khu vực Nhà nước, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động khu vực doanh nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp